Chiến thắng của đội tuyển Việt Nam trước Jordan đã làm nên kỳ tích lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào tứ kết (vòng 1:8) của giải vô địch châu Á AFC Asian Cup 2019 khiến hàng triệu người Việt Nam vẫn không khỏi lâng lâng sung sướng. Không thể phủ nhận tài năng của đội tuyển Việt Nam khi liên tục áp đảo đối phương, khẳng định vị trí của nền bóng đá nước nhà.
Qua loạt sút luân lưu gây “đau tim”, chúng ta đã chứng kiến một thủ thành Đặng Văn Lâm với màn cản phá “xuất thần”, đưa đội tuyển Việt Nam vào vòng tứ kết một cách hết sức thuyết phục.
Lúc này, khán giả cũng có dịp ngắm kĩ hơn sự chuẩn bị đầy đủ trong quá trình rèn luyện và hơn cả là tinh thần mạnh mẽ, tập trung cao độ của HLV Park Hang Seo dành cho chàng thủ môn. Đặc biệt, hình ảnh Đặng Văn Lâm có động tác “lạ” khi bắt quả penalty thứ 4 khiến mọi người thích thú và cũng không khỏi băn khoăn.
Sau trận đấu, Lâm Tây trả lời phỏng vấn rằng anh đã được chính HLV Park Hang Seo cho biết cần phải làm như vậy khiến nhiều người bất ngờ. Được biết, đó có thể xem là bài học “vỡ lòng” dành cho các thủ môn khi cản phá trong loạt sút luân lưu.
Cụ thể, dù trông Lâm Tây “múa” rất dẻo nhưng đó là bài học gây áp lực cho đối phương, và đã được các nhà khoa học đồng tình hẳn hoi.
Thủ môn vốn là vị trí gặp nhiều bất lợi trong loạt sút luân lưu bởi cầu thủ chỉ cần sút trúng nơi định ngắm với một lực vừa đủ là gần như chắc chắn sẽ có bàn thắng. Vậy nên mức độ tập trung của cầu thủ sút phạt cực kỳ quan trọng, đã được khoa học chỉ ra từ lâu.
Chuyên gia tâm lý học người Anh từ Đại học Exeter, Greg Wood đã từng thực hiện một nghiên cứu về sự tập trung của cầu thủ sút phạt khi đá penalty. Theo đó, ông theo dõi ánh mắt của cầu thủ penalty, mức độ tập trung, vị trí sút bóng và tỉ lệ thành công của từng người.
Kết quả cho thấy những cầu thủ tập trung cao thường sút chuẩn xác, tỉ lệ thành công cao hơn. Điều này cũng có nghĩa rằng nếu thủ môn có thể làm xao nhãng, giảm mức độ tập trung của cầu thủ sút phạt, tỷ lệ cản phá sẽ tăng cao.
“Nếu như thủ thành có thể khiến bản thân trông đáng sợ, uy hiếp hơn, cầu thủ có thể bị xao nhãng. Và nếu như vậy, tỉ lệ trái bóng đi vào gần với thủ môn sẽ cao hơn.” - Greg Wood chia sẻ.
Các động tác khua tay chân, thậm chí là hét có thể gây uy hiếp đối phương. Điều này đã giải thích cho hành động “lạ” của Đặng Văn Lâm trong loạt sút phạt. Dù động tác “quẩy” đó bất thành nhưng pha bóng trước đó anh đã cản phá thành công nhờ có động thái hét.
Các thủ môn trên thế giới luôn phải ghi nhớ điều này mỗi khi bắt penalty và Lâm Tây cũng áp dụng bài học hiệu quả khi đã thể hiện màn cản phá xuất sắc, khẳng định bản thân là “thủ môn số 1 Việt Nam”.