Kết quả kì thi THPT Quốc gia đã được công bố, những sĩ tử xứng đáng đã tận tay nhận lấy “tấm vé vàng” vào đại học như một minh chứng công nhận những tháng ngày dùi mài kinh sử, khổ luyện gian nan. Đây được xem là cột mốc lớn đánh dấu tuổi 18, khi bạn chính thức bước vào chương mới cuộc đời với bao nhiêu điều hiếu kỳ mời gọi khám phá. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ sẽ loay hoay không biết làm gì trong năm đầu đại học của mình, vậy khi đậu đại học rồi, tân sinh viên phải làm gì tiếp đây?
Tạm khép lại những niềm vui khi nhận kết quả trúng tuyển, tôi nghĩ thử thách lớn nhất của tân sinh viên bây giờ là phải vượt qua cảm giác “chiến thắng” của bản thân, nếu cứ bận ngủ quên trong những cảm xúc nhất thời đó thì có lẽ bạn của một năm sau sẽ phải giật mình nuối tiếc vì những điều đã bỏ lỡ từ năm nhất. Nên nhớ rằng, hình ảnh những cô cậu sinh viên năm đầu đại học luôn là phiên bản giàu nhiệt huyết, hăng say và nhiều sức trẻ nhất trong 4 năm ở giảng đường.
Thử thách lớn nhất là vượt qua cảm giác chiến thắng
Thực tế cho thấy đa phần các tân sinh viên luôn có suy nghĩ “xả hơi” sau 12 năm đèn sách vất vả, các bạn đến với sân chơi mới trong tâm thế thiếu sự chuẩn bị về tư tưởng, tinh thần cũng như tâm lí. Sự tự do vùng vẫy với mọi thứ ở thế giới không có sự kiểm soát, quản lí của gia đình và ràng buộc từ trường lớp, vô tình làm bạn đánh mất đi khả năng đương đầu với thử thách như trước, chẳng hạn bạn đã từng thức đến 2 - 3 giờ sáng chỉ để làm cho xong một bài văn, giải nốt một đề thi nào đấy thì giờ đây, những cuốn giáo trình chưa chắc nhiều bạn đã đọc qua.
Học đại học phải chăng chỉ nên đặt mục tiêu “đủ qua môn”, vật lộn mỗi sáng đến trường để kịp điểm danh với những môn học bị cho là khô khan, chán ngắt. Thay vào thời gian nghiên cứu, tìm tòi môn học hoặc những kiến thức khác liên quan đến ngành nghề, bạn đốt chúng vào những cuộc chơi quá đà, cuộc hẹn đầy tính xã giao và không có bất kì mục tiêu phấn đấu nào khác cho năm đầu đại học vì một suy nghĩ: “Mới năm đầu mà, chơi trước đi đã”.
4 năm đại học, thậm chí là cả tương lai sau này là con số tỉ lệ nghịch với thời gian bố mẹ già đi. Một sự thật luôn diễn ra rằng khi bạn đang chìm mình vào những tháng ngày vô nghĩa, không mục tiêu, kế hoạch hay dự định, thì đâu đó vẫn luôn có người nỗ lực không ngừng nghỉ. Chiến thắng, vui mừng, hân hoan, tự hào chẳng qua chỉ là một khoảnh khắc, bạn nên bắt đầu mọi thứ ngay từ bây giờ, khi còn là năm nhất bởi lẽ 4 năm trên giảng đường đại học không quá dài như bạn nghĩ và đây là thời điểm bạn sở hữu nguồn năng lượng vượt bậc với những năm còn lại.
Sống theo nề nếp, kỉ luật là chìa khóa vạn năng
Lối sống lười biếng, ỷ lại vào người khác, dễ dãi với bản thân cũng không hiếm để bắt gặp ở tầng lớp sinh viên. Bạn sẵn sàng bỏ thời gian thâu đêm để lướt facebook, chơi game, đọc những cuốn tiểu thuyết dài ngoằng trên màn hình và lại thản nhiên để người khác chờ đợi khi làm việc nhóm, không hoàn thành đúng “deadline” công việc.
Sống kỉ luật, nề nếp, tạo dựng cho mình một thói quen sẵn sàng từ chối những việc làm không lành mạnh, đã bắt tay vào làm phải đảm bảo hoàn thành chúng sao cho trách nhiệm nhất chính là chìa khóa giúp bạn khám phá được những giới hạn của bản thân, tự tạo ra nhiều cơ hội “không ngờ” để nắm bắt.
Đừng bỏ xó quãng thời gian quý giá này rồi đánh mất chính mình, hãy bắt đầu lên kế hoạch và vẽ đường chạy cho thời gian dài sắp tới. Học đại học, sống xa nhà, tôi cá rằng bạn chỉ có thể thành công và trường thành khi có trong mình một tinh thần thép và bản lĩnh vững vàng khi đứng trước những ranh giới trắng đen, tốt xấu, thiện ác.
Đừng ngại những chuyến đi trải nghiệm
Lí thuyết và thực tế luôn có một khoảng cách nhất định mà bản thân mỗi người phải tìm cách lấp đầy, kết nối. Là một sinh viên đại học, hãy mạnh dạn mở tầm tư tưởng và không ngại dấn thân bằng những chuyến đi đáng giá như xông xáo vào các hoạt động thiện nguyện, lựa chọn và cân nhắc làm cộng tác không lương với một công việc đảm bảo giúp bạn có kinh nghiệm cùng kiến thức chuyên ngành của mình. Nhưng cũng đừng để chúng chiếm quá nhiều thời gian và làm ảnh hưởng những việc ưu tiên khác, đó là một cơ hội để học hỏi chứ không phải cái cớ để bản thân lười nhác. Người trẻ được phép sai lầm nhưng không nên cho mình cái quyền sai phạm, tôi mong rằng khoảng thời gian đầu đại học là thời điểm bạn sẵn sàng đối diện với chúng nhiều nhất có thể.
Trải nghiệm không nhất thiết phải gói gọn trong khái niệm xê dịch, di chuyển. Bạn có thể thu nhận những bi kíp vàng qua trải nghiệm của người khác bằng cách kết bạn, lựa chọn người để học hỏi, lắng nghe kinh nghiệm và sẵn sàng tiếp nhận từ bậc tiền bối.
Đào thải suy nghĩ tiêu cực
Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công nhưng đây sẽ là lối đi nhanh nhất để dẫn bạn đến tiệm cận với ước mơ ban đầu của mình. Những cô cậu sinh viên rồi sẽ phải nghe những câu nói đại loại: “Bằng đại học giờ không còn giá trị như hồi trước nữa, học rồi cũng thất nghiệp ra đấy nếu không ai chống lưng”, “Xã hội bây giờ có tiền có vị thế là có tất cả”, “Không có kinh tế, ô dù che chắn thì hãy lo an phận đi”.
Chỉ từ một lời nói có vẻ mang diện mạo thực tế thêm một vài ví dụ minh họa cho cái kết đáng buồn của tấm bằng đại học, tôi e rằng sẽ kha khá bạn lung lay tư tưởng, mất đi niềm đam mê với ngành học và bớt đi nhiệt huyết sục sôi của một người trẻ.
Một người lãnh đạo tài ba, một ông sếp giỏi chắc chắn sẽ trọng dụng người tài, người có năng lực thực sự để xây dựng cho công ty, doanh nghiệp của họ. Hãy tập trung đầu tư bản thân về mọi phương diện, bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực, tránh xa nguồn năng lượng độc hại từ miệng lưỡi người khác. Tôi chắc chắn rằng đó chính là bệ chống vững vàng nhất giúp bạn tỏa sáng trước người tuyển dụng, tự tạo ra cơ hội vàng cho bản thân về sau.
Đậu đại học rồi, sao còn ngồi đây? Vì nếu không đứng dậy đi sẽ trễ mất. Là một tân sinh viên, sở hữu trong mình nhiều khả năng mà những anh chị năm 2, năm 3 không có được hoặc đã vô tình đánh mất vì phạm phải những sai lầm na ná nhau, hãy thiết lập một kế hoạch vững vàng, một kim chỉ nam hành động đúng mực. Đừng lãng phí tương lai của mình và thời gian “còn trẻ” của bố mẹ.