Sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020 kết thúc, nhiều trường đại học, học viện, cao đẳng trên cả nước mới đây đã công bố điểm chuẩn các ngành đào tạo. Và hơn ai hết, những người vui mừng nhất ở đây chính là các thí sinh đỗ vào những nguyện vọng mà mình đã đăng ký trước đó. Điều này đã tạo nên sự hãnh diện cho gia đình các sĩ tử với làng xóm xung quanh hay dòng họ.
Bởi chính sự tự hào về con cái mình khi đỗ đạt vào đại học nên nhiều bậc phụ huynh đã treo thưởng cho các thí sinh trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Và cũng nhờ chính những sự động viên, khích lệ kịp thời ấy đã tạo nên kết quả xứng đáng như ngày hôm nay.
Tuy vậy, một bộ phận các bạn trẻ lại lấy đó làm cái cớ để đua đòi theo sao cho bằng bạn, bằng bè. Trường hợp của nam sinh 2k2 dưới đây là một ví dụ điển hình.
Theo đó mới đây, trên trang confession của trường ĐH Kinh tế Quốc dân (NEU), một cựu sinh viên đã chia sẻ về câu chuyện nan giải của gia đình mình liên quan đến việc treo thưởng cho cậu em trai với mới đỗ vào đại học với số điểm 26,7.
Cụ thể theo chia sẻ của người này thì bố mẹ của anh chàng có hứa sẽ thưởng cho cậu em trai một món quà nếu như thi đỗ vào đại học, thế nhưng giá trị của món quà mà cậu em trai mong muốn lại cao chót vót khiến ai mới nghe qua cũng không khỏi giật mình.
Nguyên văn câu chuyện như sau:
“Mình K57, giờ cũng là cựu sinh viên trường rồi, em mình thì sinh năm 2002, nó vừa mới đỗ một trường đại học với số điểm 26,7 điểm. Nhà mình thì hứa là chỉ cần nó đỗ đại học là sẽ thưởng, như hồi mình đỗ đại học ngày ấy bố mẹ thưởng cho 20 triệu ngoài việc sắm laptop, điện thoại các thứ ra, kiểu 20 triệu ấy chỉ để tiêu pha mua quần áo, đi du lịch. Nhà mình không phải giàu có nhưng bố mẹ luôn để ra 1 phần thưởng cho các con lấy làm mục tiêu… để các con cố gắng.
Nhưng từ khi thằng em mình biết là đỗ đến bây giờ… ngày nào nó cũng đòi bố mẹ mua cho xe SH125 để đi học, vì nó bảo bạn bè nó ai cũng được mua xe, mua điện thoại tốt, mua cái này cái kia, có đứa đc thưởng cả trăm triệu. Bố mẹ mình cũng hứa sẽ mua nhưng xe chỉ tầm 20-30 triệu thôi. Chứ cái xe SH cả trăm triệu… nó ngày nào cũng ăn vạ bố mẹ. Bố mẹ mình buồn lắm, nó dọa bố mẹ là nếu không thưởng nó sẽ không chịu đi học, không thế này thế kia…
Thật chẳng hiểu ra làm sao, nó 18 tuổi rồi, bằng tuổi nó, mình đc bố mẹ thưởng 20 triệu là hạnh phúc lắm, mình làm cái sổ tiết kiệm và giữ đến tận bây giờ không tiêu đồng nào trong đó cả… vậy mà bây giờ nó ăn vạ đòi mua cả chiếc xe máy 100 triệu. Còn chưa kể laptop, điện thoại, chi phí sinh hoạt học tập… tính tất cả phải lên đến 200 triệu. Gọi cho nó ban đầu thì anh anh - em em: "Anh khác em khác, sao lấy lúc anh đỗ đại học ra so với em được, năm nay đề dễ nhưng cạnh tranh cao em đỗ là phải cố gắng lắm đấy!"
Mình phải làm sao, mình không ở nhà nên không thể nói nó hay làm gì nó được, mẹ mình chỉ gọi tâm sự với mình vậy thôi… nhưng vẫn muốn tìm cách giải quyết sao cho hợp lý nhất. Mình phải làm sao?”.
Có thể thấy được rằng, dẫu biết là tình yêu thương của bố mẹ đối với con cái là vô bờ bến, tuy nhiên việc mua xe SH trị giá hơn trăm triệu để thưởng cho nam sinh đỗ đại học có lẽ là hơi vượt quá khả năng của gia đình. Đồng ý rằng nên có phần thưởng cho nam sinh trong tình huống này, tuy nhiên với tình hình mới đầu năm nhất đại học, số tiền để chi tiêu, trang trải cũng khá bộn nên việc mua phương tiện đi lại đắt tiền là điều vô cùng hoang phí!
Thay vì chọn SH làm phần thưởng thì anh bạn nên suy nghĩ đến phương tiện có giá trị thấp hơn, số tiền còn lại có thể tiêu vào việc mua laptop, đóng học phí nhập học hay tiền trọ, tiền sinh hoạt mỗi tháng,…
Đây không phải là câu chuyện hiếm gặp mà là tình hình chung của một bộ phận nhỏ các bạn trẻ ngày nay, "vòi" tiền bố mẹ để đua đòi theo bạn bè trong khi hoàn cảnh kinh tế gia đình vẫn chưa mấy khá giả.
Bên dưới bài viết, nhiều người dùng đã để lại những bình luận chỉ trích thái độ cùng cách cư xử chưa đúng chuẩn mực của em trai cựu sinh viên, đồng thời gợi ý một số cách giải quyết nhằm giúp gia đình anh chàng giải quyết câu chuyện đau đầu này.
- “Quá lãng phí, tự dưng bỏ ra một số tiền lớn để sắm xe máy trong khi có quá nhiều khoảng khác phải chi”.
- “Biết là học giỏi là phải thưởng, nhưng thưởng kiểu này sẽ tạo ra tiền lệ xấu, lâu ngày sẽ hình thành thói quen đua đòi”.
- “Em mình lúc trước cũng thế, bố mẹ mình phán một câu khiến nó không dám đòi hỏi tiếp luôn, đó là còn đòi nữa thì sẽ cắt luôn phần thưởng”.
- “Mình nghĩ bố mẹ bạn cũng sai ngay từ đầu khi không chi tiết phần thưởng, để em cậu đòi hỏi như thế, trong chuyện này thì bố mẹ bạn cũng có lỗi sai”.
- “Đôi khi đối với nhiều người thì một câu khen, một buổi cơm gia đình đoàn viên còn quý hơn phần thưởng đắt tiền”.