Tháng 6 tới đây, hàng triệu học sinh Trung Quốc sẽ tham gia vào kỳ thi sứ mệnh của đời mình gọi là Gaokao (tên kỳ thi đại học). Trong tư tưởng của người Trung Quốc, đặc biệt là các phụ huynh, đỗ đại học chính là con đường thành công đơn giản nhất cũng như đầy vinh quang.
Trẻ em tại đất nước đông dân nhất nhì thế giới đã được nghe lời răng từ giáo viên từ bố mẹ mình về tầm quan trọng của Gaokao thuở chập chững tập viết. Có thể nói, học sinh tại quốc gia này chiến đấu hết mình trong 12 năm học chỉ để đậu được một kỳ thi.
1/50.000 là con số tỷ lệ chọi khủng khiếp nếu thí sinh muốn đậu vào trường đại học tốp đầu. Chính vì lẽ đó, những học sinh không đủ năng lực, nhưng lại gánh trên vai mình áp lực quá lớn đã tìm mọi cách, kể cả chiêu trò gian lận tinh vi, chỉ để đạt điểm cao đủ vượt vũ môn. Mặc dù, nếu bị bắt vì gian lận thi cử, thí sinh có thể bị phạt tù đến 7 năm.
Theo tạp chí Time, thí sinh bị bắt vì thiếu trung thực sẽ bị cấm thi lại, trong khi sai phạm nặng hơn như trả tiền cho người khác thi hộ để đảm bảo vượt qua kỳ thi sẽ phải đối mặt với tối đa 7 năm tù.
Vào năm 2016, cảnh sát đã phá một tổ chức gian lận thi cử ở tỉnh Giang Tây, cung cấp dịch vụ thuê người thi chuyên nghiệp giả dạng thí sinh với mức giá lên đến một triệu nhân dân tệ.
Ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, hội đồng thi sử dụng máy bay không người lái để quét tín hiệu vô tuyến được gửi từ trong ra ngoài. Vân tay và mống mắt được sử dụng để xác minh danh tính thí sinh. Đề thi được bảo vệ hộ tống đưa đến trường và giám sát bằng hệ thống GPS, trong khi những giám khảo ra đề được giữ lại, kiểm soát chặt chẽ để tránh lộ đề.
Hệ thống kiểm tra chống gian lận thi cử ngày càng được trang bị tối tân hơn và canh thi gắt gao hơn. Nhưng điều đó cũng không hề làm suy giảm ý chí “gian lận” của một bộ phận thí sinh không đủ năng lực nhưng vẫn mong đạt được chiếc vé vàng.
Theo Global Times, tỉnh Liêu Ninh và Tứ Xuyên đã sử dụng công nghệ nhận dạng mống mắt trong nhiều năm. Bộ Giáo dục đã công bố đường dây nóng, nhận mọi báo cáo về sai phạm trong kỳ thi.
Năm nay, thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) và thành phố Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông) sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt thí sinh trước khi bước vào phòng thi, so sánh với hình ảnh trên chứng minh thư, trên phiếu tham dự kỳ thi và ảnh kỷ yếu trong album trường đã nộp trước đó nhằm ngăn chặn tình trạng thi thử.
Bởi chiếc cầu thành công ngày càng nhỏ hẹp lại và không dành cho tất cả. Nên các nhà chức trách Trung Quốc phải cố gắng tối tân hóa trong việc chống gian lận để đảm bảo tính công bằng cho kỳ thi Gaokao.