Những ngày qua, sau khi kết thúc kỳ thi học sinh (HS) giỏi lớp 9 cấp thành phố (30/3), công tác chấm thi đã được Sở GD&ĐT TP.HCM triển khai khẩn trương và kỹ lưỡng để chọn lọc những bài thi xứng đáng được giải.
Đáng chú ý trong đó là bài thi môn Ngữ văn, bởi đề thi năm nay được nhiều giáo viên lẫn học sinh khen ngợi khi đề cập đến chủ đề “sự thay đổi”. Trong đó, câu nghị luận xã hội chiếm 8 điểm với yêu cầu viết một bài văn đối thoại với bé tuổi 15 ghét sự thay đổi như trong đoạn trích đề đưa ra. Và phần nghị luận văn học chiếm 12 điểm, nói về văn học khiến người đọc thay đổi.
Với đề thi rất mở này, bài làm của các em cũng khiến giám khảo chấm thi có nhiều điều suy ngẫm.
Trao đổi với PLO, một giám khảo là giáo viên dạy Ngữ văn tại một trường THPT nổi tiếng ở TP.HCM, chia sẻ rằng có khoảng hơn 400 bài thi môn Ngữ văn, được chia từng nhóm chấm. Mỗi bài thi sẽ có hai giám khảo chấm để chọn ra được những bài xứng đáng có giải.
Khi chấm thi, giám khảo này cho biết với nhận thức và suy nghĩ, cảm nhận của HS lớp 9 trong điều kiện học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng nhiều em có lực viết khá tốt. Có những em trong 120 phút có thể viết đến bốn đôi giấy thi, cách nhìn nhận vấn đề ở cả nghị luận xã hội lẫn văn học khá tốt.
Theo giám khảo này, thực ra, đề thi năm nay khá hay và đáp án đưa ra cũng hay. Tuy nhiên, đáp án là do người lớn xây dựng với góc nhìn toàn diện hơn. Còn với các em đi thi, dù là HS giỏi nhưng góc nhìn của các em cũng chỉ ở tuổi 15 nên không thể đòi hỏi sự tròn trịa theo đáp án.
“Nhưng chỉ cần các em có điểm sáng, có sự sáng tạo, có góc nhìn riêng và thể hiện bài làm một cách sắc sảo, phù hợp với lứa tuổi là những bài xứng đáng được giải” – vị này nói.
Cảm nhận qua các bài làm của các em, giám khảo này cho biết ở phần nghị luận xã hội, đại dịch trở thành nỗi ám ảnh của các em HS. Bởi hầu hết các dẫn chứng của các em đưa ra đều lấy từ đại dịch COVID-19.
“Tất nhiên, bản thân trong đề cũng có một ý về đại dịch như vì dịch bệnh khiến chúng ta phải thay đổi, phải đeo khẩu trang, phải 5K, phải chuyển từ học trực tiếp sang online…nhưng trong quá trình làm bài nói về sự thay đổi chung, hầu hết các dẫn chứng các em đưa ra để làm sáng tỏ cho bài làm của mình thì đều lấy những câu chuyện trong đại dịch. Trong khi lẽ ra thông thường, các em sẽ nói về những hình ảnh tươi vui hơn, những hoạt động mới mẻ, những cơ hội trải nghiệm….của các em.
Dường như đại dịch đã thành ký ức khó phai mờ của các em nên khi chấm bài, tôi thấy rất thương các em vì bốn năm học cấp 2 mà hết ba năm trời các em phải học trong đại dịch. Điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của các em, các em sẽ không được bình thường so với những lứa HS khác” – giám khảo cảm nhận.
Hơn nữa, theo vị giám khảo này, HS lớp 9 năm nay đi thi HS giỏi không có bất kỳ ưu tiên nào khi có giải (như cộng điểm tuyển sinh...) nên việc các em mất thời gian đi bồi dưỡng, đi dự thi trong điều kiện dịch bệnh đều rất xứng đáng được trân trọng.
Được biết, kỳ thi HS giỏi cấp thành phố khối lớp 9 vừa diễn ra ngày 30-3 vừa qua. Những em dự thi là những em trong các đội tuyển thi HS giỏi của quận, huyện và có học lực, hạnh kiểm trong học kỳ 1 năm học 2021-2022 từ loại khá trở lên.
Khi chấm thi, TP.HCM chỉ xét các giải nhất, nhì, ba theo từng môn thi cho cá nhân. Trong đó, tổng số giải không vượt quá 60% số thí sinh dự thi. Trong số này, giải nhất không vượt quá 5% và giải nhì không quá 35%.
Đặc biệt, năm nay, theo Nghị quyết mới của Hội đồng nhân dân TP.HCM về khuyến khích giáo viên, HS đoạt các giải, TP sẽ trao thưởng cao cho những em đạt giải nhất cấp thành phố. Cụ thể ở THCS có mức thưởng 10 triệu đồng/giải, THPT là 12 triệu đồng/giải.