Trường Đại học Sư phạm TP.HCM mới đây đã công bố điểm chuẩn năm 2021:
Theo đó, điểm chuẩn trường Đại học Sư phạm TP.HCM dao động từ 19,5 - 27,15, cao nhất ở ngành Sư phạm Tiếng Anh, tăng 0,75 so với năm ngoái.
Trừ ngành Giáo dục Thể chất, Giáo dục Mầm non và Sư phạm Tin học, các ngành đào tạo giáo viên đều lấy điểm chuẩn trên 24. Ở khối ngành ngoài sư phạm, Ngôn ngữ Anh có điểm chuẩn cao nhất là 26. Nhìn chung, mặt bằng điểm chuẩn Đại học Sư phạm TP.HCM tăng nhẹ so với năm ngoái.
Năm nay, Đại học Sư phạm TP.HCM tuyển 3.770 sinh viên cho các ngành sư phạm và ngoài sư phạm với 2 phương thức tuyển sinh chính.
Thứ nhất, trường dành tối đa 20% chỉ tiêu của từng ngành xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT. Với ngành Giáo dục mầm non, thí sinh phải tham gia kỳ thi năng khiếu do trường tổ chức và phải đạt từ 6,5 điểm trở lên.
Thứ hai, trường xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc xét kết quả học tập THPT với tất cả ngành, trừ Giáo dục thể chất và Giáo dục mầm non. Cuối cùng, trường kết hợp xét tuyển (điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm học tập THPT) và thi tuyển cho ngành Giáo dục mầm non và Giáo dục thể chất.
Đáng chú ý, năm nay, thí sinh có nguyện vọng vào các ngành sư phạm tăng so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho biết trên VietNamNet, năm nay, điểm chuẩn các ngành đào tạo của trường hầu như không tăng nhiều. Tuy nhiên, nếu so với điểm chuẩn của năm ngoái, ngành Giáo dục chính trị có điểm chuẩn tăng đột biến tới tận 9 điểm. Ngành Giáo dục công dân (mã 7140204B) cũng tăng đến 6,75 điểm.
Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 Cao Bá Cường cũng chia sẻ, nhìn chung, điểm chuẩn các ngành đào tạo sư phạm (đào tạo giáo viên) của trường năm nay đều tăng nhẹ, từ 0,5 điểm trở lên. Số thí sinh có nguyện vọng vào trường năm nay tăng so với năm ngoái, đặc biệt với ngành Giáo dục tiểu học.
Còn tại trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), điểm chuẩn các nhóm ngành đã tăng từ 2,3 đến 5,8 điểm so với năm 2020. Ngành học từng bị cho là "ế ẩm" như ngành Giáo dục mầm non có mức điểm chuẩn lên tới 25,05 điểm, tăng 5,8 điểm so với năm ngoái. Năm nay, nhiều thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường dẫn đến "tỉ lệ chọi" rất cao.
Lãnh đạo 3 trường đào tạo sư phạm lớn đều cho rằng, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm chắc chắn đã có tác động tích cực tới gia đình và thí sinh trong việc quyết định nguyện vọng. Theo Nghị định này, ngoài được miễn học phí, sinh viên còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí, cao hơn cả mức lương khởi điểm của một công chức nhà nước.