Ngày 25/10, nguồn tin của Tiền Phong cho biết, UBND huyện Chư Prông (Gia Lai) đã có văn bản giao cơ quan chức năng tham mưu UBND huyện này kiểm điểm trách nhiệm và đề xuất hình thức kỷ luật đối với ông Nguyễn Thanh Cường.
Được biết, trước đó, ông Cường từng giữ chức vụ hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, sau này chuyển sang làm hiệu trưởng trường THCS Kpă Klơng tháng 3/2020, đều trên địa bàn huyện Chư Prông. Khi còn làm hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, ông Cường đã để xảy ra nhiều sai phạm với số tiền hơn 220 triệu đồng.
Sau khi nhận đơn thư phản ánh từ các giáo viên, cơ quan chức năng huyện Chư Prông vào cuộc phát hiện, tổng số tiền sai phạm tại trường THCS Nguyễn Văn Trỗi hơn 220 triệu đồng.
Xem thêm: https://www.saostar.vn/sinh-vien-tv/nhieu-giao-vien-dong-loat-to-nha-truong-an-chan-tien-20201024103926140.html
Cụ thể, trường này chưa truy lĩnh nâng bậc lương, tăng phụ cấp thâm niên và đóng tiền bảo hiểm, kinh phí công đoàn đối với 22 giáo viên hơn 17 triệu đồng.
Trường này cũng chưa đóng bảo hiểm tháng 12/2019 theo đúng quy định hơn 53 triệu đồng; chưa thanh toán chế độ thừa giờ, chế độ bồi thường tiết dạy thực hành môn thể dục, chế độ lớp ghép và chế độ công tác phí cho 8 giáo viên hơn 48 triệu đồng…
Như thông tin đã đưa, trước đó, nhiều giáo viên trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi (huyện Chư Prông) phản ánh, trong các năm học 2018-2019 và năm học 2019-2020 đã bị nhà trường nợ tiền dạy thêm ngoài giờ.
Giáo viên đã có đơn phản ánh, yêu cầu giải quyết nhưng không được thanh toán.
Theo phản ánh của cô giáo P.T.H, năm học 2018-2019, cô được phân công giảng dạy lớp 4A kiêm tổ trưởng tổ 3 + 4 + 5.
Số tiền kiêm nhiệm do kế toán xác nhận là hơn 27 triệu đồng, tiền bồi dưỡng tiết dạy thực hành thể dục là 900.000 đồng.
Năm học 2019 - 2020, cô được phân công dạy lớp 2B kiêm tổ trưởng tổ 2 + 3, số tiền kiêm nhiệm là hơn 2,3 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện tại, cô giáo này vẫn chưa nhận được số tiền này.
Tương tự, năm học 2018-2019 thầy T.T.N được phân công dạy học và chủ nhiệm lớp ghép 2 3 4. Thầy được bộ phận chuyên môn thống kê, xác nhận thừa giờ là 102 tiết với số tiền gần 14.000.000 đồng.
Cũng trong năm học 2018-2019, theo quy định, thầy sẽ được thanh toán tiền dạy thể dục ngoài trời là 13.900 đồng/tiết. Nhưng đến nay, thầy N. cũng chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào.
Ngoài ra, tập thể giáo viên trường THCS Nguyễn Văn Trỗi còn làm đơn phản ánh, từ tháng 1/2020 đến giữa tháng 3/2020, nhà trường tạm nghỉ dạy và học do dịch bệnh COVID-19 nhưng ông Cường đã chi hơn 130 triệu đồng mà Hội đồng sư phạm và chi bộ không hề biết chi vào mục đích gì. Trong khi tiền chế độ của cán bộ, giáo viên chưa thanh toán.
Tháng 3/2015, giáo viên Rơ Mah Tuýt nghỉ ốm, đi nằm viện nhưng vẫn bị trừ lương và không làm chế độ thanh toán bảo hiểm.
Về vụ việc này, trao đổi với báo Lao động, ông Nguyễn Thanh Cường - Hiệu trưởng trường - cho biết: "Về tiền dạy thể dục thì để mình kiểm tra lại hồ sơ, vì chưa nghe kế toán báo cáo. Đến khi họp hành thì cũng không nghe ai báo cáo nên tưởng là đã chuyển tiền vào tài khoản các giáo viên cùng với tiền lương hàng tháng rồi.
Hiện nhà trường đang nợ đóng bảo hiểm xã hội tháng 12 của các thầy cô. Nguyên nhân là do cô kế toán nghỉ sinh, trường tuyển một nam kế toán về, anh này chưa rành nghiệp vụ nên xảy ra sơ suất. Trường đã làm công văn báo cáo lên huyện để giải trình và xin phương hướng giải quyết, khắc phục hậu quả".
Về số tiền dạy kiêm nhiệm, dạy ngoài giờ, ông Cường phân bua, khi thầy Hiệu phó và kế toán trình lên, bản thân ông không tin số giờ đó là có thực và chưa chính xác nên không đặt bút duyệt chi.
Về xử lý, ngoài việc giao cơ quan chức năng xử lý trách nhiệm của ông Cường, UBND huyện Chư Prông còn giao phòng GD&ĐT huyện này kiểm điểm trách nhiệm đối với 2 phó hiệu trưởng và kế toán trường THCS Nguyễn Văn Trỗi.