Mới đây, học sinh khối 12 các trường THPT ở Hà Nội bước vào làm bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi khảo sát THPT Quốc gia 2018 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức. Trong 120 phút, cấu trúc đề thi môn Văn với hình thức tự luận chia làm 2 phần: đọc hiểu và làm văn.
Đặc biệt, xuyên suốt đề thi năm, chủ đề hạnh phúc nổi lên khiến nhiều người bắt đầu suy nghĩ. Nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, đề thi đã gửi đi thông điệp: “Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc” khiến nhiều người suy nghĩ.
Trong phần Đọc hiểu (3 điểm), đề thi trích dẫn một đoạn trích trong cuốn sách “Bốn thỏa ước” của tác giả người Mexico Don Miguel Ruiz. Đây là cuốn sách 6 năm liền đứng trong top bestseller của The New York Times và bán được hơn 4 triệu bản trên toàn thế giới. Cuốn sách được xem là những trải nghiệm của tác giả về tồn tại và hạnh phúc của con người.
Phần này yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về cách mỗi người có thể tận hưởng cuộc sống một cách thực sự qua đoạn trích trên. Đây cũng là cách giúp nhiều người nhận ra trong mắt thế hệ măng non của đất nước, hạnh phúc được định nghĩa như thế nào.
“Họ làm việc cật lực suốt cả tuần đằng đẵng, họ khổ sở vì làm việc, không phải vì họ thích làm việc mà vì họ cảm thấy họ phải làm. Họ phải làm việc, vì họ phải trả tiền thuê nhà, vì họ phải nuôi gia đình. Họ gánh tất cả những nhọc nhằn bất mãn ấy, và khi họ nhận được những đồng tiền của họ, họ không hạnh phúc. Họ có hai ngày để nghỉ ngơi, làm điều họ muốn làm, và họ làm gì? Họ tìm cách chạy trốn. Họ uống say mèm, vì họ không ưa chính họ. Họ không thích cuộc sống của họ. Có nhiều cách để chúng ta tự làm tổn thương mình, khi chúng ta không ưa bản thân mình.
Mặc khác, nếu bạn hành động chỉ vì lợi ích của hành động đó, mà không mong chờ phần thưởng, bạn sẽ thấy rằng bạn vui thích với mỗi hành động bạn thực hiện. Các phần thưởng rồi sẽ đến, nhưng bạn không bị ràng buộc vào phần thưởng. Bạn thậm chí còn nhận được cho mình nhiều hơn những gì bạn tưởng tượng, khi không mong chờ phần thưởng. Nếu chúng ta yêu thích điều chúng ta làm, nếu chúng ta luôn làm hết khả năng của mình, khi ấy chúng ta sẽ tận hưởng cuộc sống một cách thực sự. Chúng ta có niềm vui, chúng ta không chán nản, và chúng ta không thất vọng.”
Đoạn trích này khiến dân mạng thích thú bởi nó phản ánh đúng thực trạng cuộc sống của nhiều người. Trong xã hội hiện đại, chúng ta nói nhiều đến hạnh phúc nhưng đôi khi lại băng khoăn tự hỏi, hạnh phúc thực ra là gì?
Nếu cứ sống vì mục đích kiếm tiền, tự cho rằng trên vai mình đang gánh nặng trách nhiệm thì cuộc sống sẽ rơi vào rat race buồn chán. Chúng ta kiếm tiền, tiêu tiền rồi lặp lại vòng tuần hoàn ấy không bao giờ dứt. Chúng ta cố đi tìm những niềm vui mà không thấy nhưng không biết rằng, chỉ cần “yêu thích điều chúng ta làm, luôn làm hết khả năng của mình, khi ấy chúng ta sẽ tận hưởng cuộc sống một cách thực sự”.
Triết lý về việc giữ cho mọi việc ở thế cân bằng cũng như đoạn trích chỉ ra cách tận hưởng cuộc sống đúng nghĩa được dân mạng đánh giá cao và cho rằng, ẩn ý người ra đề thi năm nay khá tinh vi khi 2 câu hỏi, cùng hướng tới chung một thông điệp.
Ngoài ra, trong phần làm văn, học sinh sẽ phân tích một đoạn thơ trong tác phẩm “Vội vàng” của Xuân Diệu và “Sóng” của Xuân Quỳnh. Qua hai đoạn thơ trên, đề văn yêu cầu học sinh cảm nhận về khát vọng tình yêu tuổi trẻ. Chính khát vọng tình yêu tuổi trẻ cùng sự cống hiến hết mình cho thanh xuân và những quãng thời gian khác trong đời giúp chúng ta có được hạnh phúc.