Tại tọa đàm “Làm thế nào để mang đến cho con những điểm chạm tốt” do Tổ chức giáo dục IEG tổ chức ngày 26/5, TS Nguyễn Chí Hiếu, sinh viên xuất sắc nước Anh năm 2004 và top 100 sinh viên xuất sắc thế giới năm 2006, đã thẳng thắn chỉ ra những tiêu cực của việc luyện thi và tình trạng quá coi trọng điểm số.
Tên trường và điểm số chỉ là bề nổi
Rất nhiều phụ huynh và học sinh Việt Nam đang chạy đua với điểm số. Họ vui mừng khi con giành được điểm cao trong bài thi như SAT hay TOEFL, cao hơn nhiều học sinh Mỹ. Tuy nhiên, anh Hiếu khẳng định những học sinh có điểm thi kém hơn, sức học chưa chắc kém hơn. Học sinh Mỹ điểm kém hơn học sinh Việt Nam không có nghĩa là 12 năm phổ thông ở Mỹ đào tạo kém hơn trong nước.
“Nhiều học sinh ở Mỹ không luyện thi. Các em thi một lần và được luôn điểm số không quá cao đó. Bài luận của họ không hay bằng nhiều bài từ Việt Nam, nhưng được viết bằng chính khả năng của họ, không nhờ chuyên gia sửa đi sửa lại nhiều lần hay viết hộ”, anh Hiếu chia sẻ.
Đã giảng dạy cho hàng nghìn học sinh trong nước và quốc tế, anh Hiếu bắt gặp những trường hợp học sinh đạt điểm SAT cao, thậm chí là kỷ lục của Việt Nam, nhưng khi đi phỏng vấn xin việc vẫn không biết mình thích làm gì. Trong khi nhiều học sinh thi trầy trật được 6,5 điểm IELTS, học đại học ở một ngôi trường không nằm trong top 100, cuối cùng lại trúng tuyển cao học ở Đại học Stanford hay Columbia - những trường hàng đầu thế giới.
“Điều đó không hề ngược đời. Nó chứng tỏ tên trường và điểm số không nói lên được điều gì. Chúng không cho thấy bạn đang học như thế nào”, anh Hiếu nhận định và cho rằng điểm số cao, giải thưởng lớn là rất tốt, giúp con nỗ lực, quyết tâm hơn, nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ.
Cũng theo anh Hiếu, tên trường hay điểm số chỉ là những thứ bề nổi, có nhiều điều khác cần cho học sinh hơn.
Luyện thi lâu dài là tạo thói quen xấu cho học sinh
Cuốn sách Sức mạnh của thói quen có dẫn thí nghiệm trong y học cách đây 50 năm. Thí nghiệm này cho chuột chạy trên một đoạn đường để tìm tới miếng chocolate. Các nhà khoa học thực hiện nhiều lần liên tục trong 2-3 tuần và đo điện não của chuột.
Kết quả trong lần đầu tiên, điện não ở các giai đoạn đều rất mạnh, nghĩa là chuột đang suy nghĩ. Nhưng càng về sau, chỉ khi thấy miếng chocolate, điện não mới cao vì khi đó nó hưng phấn với phần thưởng lớn. Còn giai đoạn chạy trước đó, do phải làm đi làm lại nhiều lần, nó không cần suy nghĩ. Việc chạy theo hướng nào để tới đích đã trở thành thói quen của con chuột.
“Thí nghiệm trên cho thấy ai rồi cũng có những thói quen. Với trẻ, được cấy thói quen tốt, tư duy tốt thì thói quen, tư duy đó là tài sản cả đời. Khi lớn lên, chúng cứ tự động giải quyết, xử lý mọi việc vì quy trình như thế nào đã nằm cả trong đầu. Còn nếu cấy một thói quen xấu, nó sẽ rất khó bị gỡ ra”, anh Hiếu nói.
Theo cựu thủ khoa chương trình MBA của Đại học Oxford, thói quen được cấy nhờ những điểm chạm. Và điểm chạm đó là những thành viên trong gia đình, thầy cô, bạn bè, hàng xóm hay những hệ giá trị và thậm chí là cả mạng xã hội.
Trong 12 năm học, bố mẹ và thầy cô luôn dạy trẻ phải học theo phương pháp luyện thi. Lớp 1 luyện thi, lớp 5, lớp 9 rồi vào đến THPT vẫn phải luyện thi thì chắc chắn con sẽ có tư duy đó khi vào đại học và đi làm. Anh Hiếu khẳng định tại một thời điểm nhất định, luyện thi không sai. Nhưng cả 12 năm học, ở tất cả môn học con đều phải luyện sẽ tạo thành lối mòn trong tư duy. Làm như vậy, điểm số có thể cao nhưng năng lực và tố chất chưa chắc đã bằng những em điểm thấp nhưng kiên trì học sâu.
Anh Hiếu lấy ví dụ về phương pháp luyện thi trong môn tiếng Anh. Ở phần đọc, do không được rèn luyện thói quen đọc từ nhỏ, học sinh không thể đọc nhanh và sâu được. Vì vậy, các “cao thủ luyện thi” sẽ dạy các em chiến thuật đọc: nhìn câu hỏi, xác định từ khóa, tìm trong bài, đọc nội dung xung quanh từ khóa đó và quay lại trả lời câu hỏi. Đó là cách đối phó được dùng cho những học sinh có năng lực đọc yếu kém.
“Đúng là chiến thuật này có giá trị. Nhưng từ lớp 6 đến lớp 12, học sinh đều làm kiểu đó khi gặp bài đọc sẽ dẫn đến thói quen chỉ biết đọc lướt, không quan tâm đến việc học từ vựng, nắm nội dung trong bài hay thảo luận kiến thức. Hệ lụy là điểm số rất cao nhưng trong đầu không có chút kiến thức nào. Điểm IELTS đạt tuyệt đối nhưng lại vật vã khi phải đọc hiểu một cuốn sách”, anh Hiếu nhấn mạnh và cho rằng cần cân bằng giữa chiến thuật thi với việc đọc sâu.
Ở phần nghe trong bài thi tiếng Anh IELTS hay TOEFL, các thầy cô luyện thi cũng chơi trò chiến thuật, dạy các em cách nghe theo từ khóa mà không cùng thảo luận, phân tích các câu chữ trong bài. Cách học này kéo dài trong nhiều năm sẽ giúp các em dễ dàng đạt 9.0 IELTS, nhưng đồng thời tạo ra thói quen xấu là nghe cái gì cũng loáng thoáng, kể cả khi giáo sư giảng bài, không bao giờ biết vừa ngồi nghe, vừa ghi chép và thảo luận.
Tương tự ở phần thi nói và viết, chiến thuật luyện thi khiến học sinh không tích lũy thêm được kiến thức ở nhiều lĩnh vực, chỉ làm theo những cái dập khuôn và có sẵn. Điều này tốt trong bài kiểm tra ở cấp trung học. Còn lên đại học, đặc biệt là học ở Anh hay Mỹ, theo anh Hiếu, các em sẽ khó “sống sót” với cách học này.
Dẫn lời trong một cuốn sách của tác giả Mỹ, anh Hiếu cho rằng chỉ dựa vào chuẩn hóa và điểm số sẽ kìm hãm sự phát triển cá nhân, sự tưởng tượng và sức sáng tạo của học sinh.