Với nhiều người, gia đình chính là bến bờ hạnh phúc, có thể trở về bất cứ khi nào, lúc nào cũng được rộng vòng tay đón chào. Thế nhưng, cũng có nhiều người, gia đình không thực sự là nơi họ lựa chọn trở về khi mỏi mệt, thất bại. Thậm chí, gia đình là nơi khiến họ cảm thấy áp lực, gánh nặng hơn tất thảy điều gì!
Câu chuyện của một cựu sinh viên sau đây là một minh chứng. Mới đây, 1 confession trên trang FTU Confession đã khiến dân tình đồng cảm với câu chuyện đi làm không mệt, về nhà mới mệt. Chủ thớt cho biết sau 8-12 tiếng làm việc mỗi ngày, người này rất áp lực khi phải về nhà và nghe những tiếng càm ràm, cằn nhằn đến từ ba mẹ. Các vị phụ huynh có xu hướng giải toả những cảm xúc tiêu cực lên con cái dù cô bạn cũng đã có 1 ngày rất dài vật lộn với công việc. Điều này khiến chủ thớt cảm thấy không hạnh phúc trong chính ngôi nhà của mình.
“MÌNH KHÔNG HẠNH PHÚC
Mình là cựu sinh viên đã ra trường được một vài năm. Công việc của mình tốt, đổi lại mình cần mất hơn 8 tiếng thậm chí 12 tiếng một ngày cho nó. Mình chấp nhận và không hề kêu than một lời. Nhưng gia đình mình thì không.
Về nhà sau một ngày làm việc, mình chỉ nghe thấy tiếng càu nhàu của mẹ. Vừa đặt chân về đến nhà, mẹ mình nói bóng gió với em mình rằng mình không nấu cơm cho mẹ mình và em mình ăn đâu, nên em mình tự đi nấu đi. Bố mình dạo này do Covid, làm ăn không được như trước. Hơi một chút là bố đá thúng đụng nia, lấy lý do để chửi. Mình hiểu rằng đôi khi công việc không giải tỏa được căng thẳng, người ta luôn có xu hướng về giải tỏa lên chính gia đình của mình. Nhưng nực cười thay, bố mẹ mình lại chọn cách giải tỏa tiêu cực nhất. Và mình là người phải chịu đựng mặc dù ngày làm việc nào của mình thực sự rất ‘dài’?
Mình rất mệt nhưng lại không muốn về nhà.
Mình đã nghĩ đến việc chuyển ra ở riêng. Nhưng tất cả mọi người đều can ngăn vì nếu ra ở riêng thì tình cảm gia đình cũng dứt.
Không ai yêu mình nên mình đâu lấy được chồng để chuyển đi.
Mình có nghĩ được một kế hoạch dài hơi khác nhưng mình cần thời gian để thực hiện nó. Còn bây giờ, lúc 11:25 ngày 25/5/2020, mình kiệt quệ”.
Ngay sau khi những lời tâm sự này được đăng tải ngay lập tức nhận được sự đồng cảm của CĐM, rất nhiều người đã lên tiếng bày tỏ tâm tư, nỗi lòng của mình về hoàn cảnh tương tự chủ thớt.
“Mình nhìn thấy bản thân trong chính câu chuyện của bạn. Chính vì vậy, mỗi khi nghe bạn bè khoe về gia đình của họ, mình thầm ghen tỵ. Mình không biết lỗi là ở mình hay ở bố mẹ nữa, nhưng rõ ràng mình đã cố gắng rất nhiều cả trong học tập lẫn làm người con ngoan ngoãn, hiếu thảo. Bố mẹ dường như không để ý đến cảm xúc của mình, dần dần, giữa mình và bố mẹ thực sự ít những cuộc nói chuyện cùng nhau. Có chăng chỉ khi nào thực sự cần thiết, mình mới tìm bố mẹ”
“Rất cảm thông với bạn, có lẽ, giữa bố mẹ và chúng ta đã có sự không thấu hiểu nhau rồi. Lứa tuổi của bọn mình cũng dễ tủi thân, tổn thương nên khi vừa đi làm về nghe mẹ nói này nói kia, thành ra cảm thấy mệt mỏi hơn, cảm thấy chán nản hơn. Mình nghĩ, bạn nên tìm cách ngồi lại nói chuyện với mẹ nhiều hơn để 2 mẹ con hiểu nhau”
“Có lẽ do bạn quá bận rộn với công việc mà quên mất việc dung hòa tình cảm với gia đình nên giữa mọi người chưa có sự thấu hiểu. Hãy tìm cách nói chuyện nhiều cùng bố mẹ để lắng nghe họ suy nghĩ gì, và cũng là cơ hội để bày tỏ suy nghĩ của mình nhé”, là những bình luận mà cư dân mạng để lại.