Phạm Tường Lan Thy
Phạm Tường Lan Thy là một trong 3 em bé đầu tiên được ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam (30/4/1988).
Sinh ra theo cách rất đặc biệt, nên ngày từ nhỏ cô gái sinh năm 1998 này thường xuyên được báo giới săn đón tìm hiểu. Lớn lên, cô không ít lần bị bạn bè trêu đùa, thậm chí nhiều người còn gọi cô là dị nhân.
“Mình không buồn mà luôn tự hào - tự hào về bố mẹ, về cách mình được sinh ra. Quan trọng là cách mình công nhận bản thân và gọi bản thân như thế nào.”- Thy chia sẻ về tên gọi "hotgirl ống nghiệm".
Vượt qua mọi ánh mắt tò mò, những lời dị nghị, Lan Thy luôn nỗ lực trong học tập cũng như trong cuộc sống để chứng minh khả năng bản thân.
Sau ngần ấy năm, Lan Thy trở thành cái tên nổi bật trong cộng đồng mạng bởi cô đã trở thành cô gái xinh xắn, giỏi giang, đoạt nhiều giải cao trong các cuộc thi tầm cỡ quốc gia về âm nhạc, môn học, nghiên cứu khoa học và cả sắc đẹp.
Ngoài học giỏi, Lan Thy còn biết chơi rất nhiều nhạc cụ như piano, organ, guitar, violon, saxophone, trumpet…Trong đó piano và organ là hai loại nhạc cụ có thể chơi thành tạo nhất.
Khi đang là học sinh lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, Lan Thy gây sốt trên mạng xã hội sau cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia bởi nụ cười dịu dàng, duyên dáng của mình.
Thời điểm ấy, Lan Thy là một trong những học sinh có thành tích ấn tượng: Giải nhất thành phố cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho học sinh THPT; Giải 3 quốc gia cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho học sinh THPT; Giải triển vọng cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ; Giải ban nhạc sử dụng nhạc điện tử hay nhất tại cuộc thi Chú Ve Con 2015; Đại biểu chính thức Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 2 tổ chức tại Hà Nội…
Tuy nhiên, đi kèm sự nổi tiếng ấy, nữ sinh cũng vấp phải các tin đồn liên tiếp bủa vây.
Tin đồn về việc Lan Thy ăn cắp ý tưởng về thiết bị phát hiện đột quỵ để tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học từ một người bạn cùng trường tên Gia Khôi.
Sau đó, Lan Thy đã đoạt giải thưởng cao trong cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh với đề tài này. Năm 2016 sau khi Gia Khôi qua đời, Lan Thy bị cho là nguyên nhân gián tiếp và vấp phải vô số chỉ trích.
Ngay sau đó, những thị phi khác về Lan Thy trong khi vẫn còn là nữ sinh cấp 3 cũng trở thành đề tài gây xôn xao cộng đồng mạng trong suốt nhiều năm qua.
Giữa những tin đồn cứ thay nhau bủa vây, Lan Thy đã chọn cách im lặng trong nhiều năm và tập trung cho việc du học tại Nhật Bản.
Sau 4 năm du học, Lan Thy đang có một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình. Càng lớn nhan sắc của Lan Thy ngày càng xinh đẹp, tự tin, rạng ngời hơn.
Cô cũng cho biết, suốt thời gian nơi "đất khách quê người" đã giúp Lan Thy trở nên cứng cáp, độc lập hơn, chủ động từ việc học hành, chi tiêu cho đến mọi khía cạnh trong cuộc sống.
Dù có rất nhiều cơ hội việc làm tại Nhật Bản nhưng Lan Thy vẫn quyết định trở về Việt Nam để được gần gia đình hơn.
Hiện Lan Thy sống và làm việc ở TP.HCM. Cô từ chối nói về công việc nhưng chia sẻ rất hạnh phúc với việc làm hiện tại.
Lưu Tuyết Trân
Lưu Tuyết Trân - con gái của chị Trần Thị Bạch Tuyết và anh Lưu Tấn Trực ở Mỹ Tho, Tiền Giang.
Sau hơn 9 tháng thai kỳ thấp thỏm lo âu, niềm vui vỡ òa khi gia đình anh chị chào đón cô con gái nhỏ ra đời vào năm 1998. Tuyết Trân kể rằng, cho đến lúc đã khôn lớn, mỗi đêm mẹ cô vẫn thường ôm lấy con gái, thủ thì kể về quãng thời gian mang thai vất vả, nuôi con đầy gian nan, khốn khó.
Đáng tiếc năm 2000 khi Tuyết Trân vừa tròn 2 tuổi thì ba cô đã qua đời vì bệnh ung thư gan. Để kiếm kế sinh nhai, chị Tuyết làm đủ việc từ may đồ chợ, đi tiếp thị sản phẩm. Kinh tế gia đình một tay chị chèo lái.
Lúc còn nhỏ, Trân thường đau ốm, một mình chị Tuyết lại phải chạy ngược chạy xuôi để lo chạy chữa cho con. Thiếu vắng người chồng người cha, một mình chị phải vất vả khuya sớm nhưng nhất quyết không muốn đi thêm bước nữa vì tình yêu sâu nặng với người chồng đã mất.
Trải qua hơn 20 năm, cô bé ngày nào giờ đã là sinh viên ngành Công nghệ Thông tin Đại học Tiền Giang. Vì thương mẹ nên Trân vừa đi học, vừa đi làm thêm đủ mọi việc để đỡ đần phần nào gánh nặng kinh tế.
Tuyết Trân kể, gia đình tuy thiếu ba nhưng từ nhỏ, Trân lại may mắn được lớn lên trong vòng tay hết mực yêu thương của mẹ, họ hàng và một người rất đặc biệt - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - người đã mang kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam).
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả nên Tuyết Trân là người có tính tự lập rất cao. Cô tâm sự sau này chỉ muốn lấy một người xuất phát từ tình yêu chân thành. “Nhiều người nghĩ con gái phải lấy chồng giàu mới có chỗ dựa vững chắc còn mình thì nghĩ, phụ nữ bây giờ cũng có thể tự lo kinh tế, không cần phải cưới chồng có kinh tế vững chắc”.
Trân chia sẻ, ước mơ của cô là trong tương lai sẽ trở thành một IT chuyên về thiết bị di động, kiếm được nhiều tiền để chăm sóc bù lại cho mẹ.
“Má thương mình nhiều lắm, tối nào ngủ chung mẹ cũng kể khi sinh con, ba má chỉ mong con mình lành lặn khỏe mạnh là vui rồi. Nhưng bản thân mình mỗi lần nghĩ tới ba má đều chỉ muốn mình giỏi giang hơn để má nở mày, nở mặt tự hào về mình nhiều hơn nữa“, nữ sinh chia sẻ.
Mai Quốc Bảo
Chị Mai Nga Thúy, mẹ của Mai Quốc Bảo từng xúc động kể lại khoảng thời gian đầu khi thụ tinh ống nghiệm xong: “Sau khi thụ tinh ống nghiệm xong, thai nhi phát triển bình thường. Tuy nhiên, chị không khỏi lo lắng về hình hài của đứa bé. Nhiều lần đi khám thai chị đã mạnh dạn hỏi bác sĩ về tình trạng thai nhi.
“Mình không nói là bé thụ tinh ống nghiệm, mỗi lần đi khám sức khỏe, mình hỏi bác sĩ thai nhi có khiếm khuyết gì không hay là có cái gì phát triển không bình thường không. Nhưng vui mừng thay, các bác sĩ nói rằng mọi thứ đều ổn, thai nhi phát triển bình thường và không có bất cứ khiếm khuyết gì cả”.
Chị Mai Thúy Nga và anh Mai Văn Phơn sau khi cưới nhau được một năm, chị Nga có thai nhưng bị hư nhiều lần. Hai vợ chồng ra sức đi chùa khấn Phật, uống đủ thứ thuốc từ thuốc Bắc đến thuốc Nam, ăn bánh thánh ở nhà thờ… nhưng vẫn không thành công. Cho đến khi gặp bác sĩ Ngọc Phượng, niềm tin mãnh liệt trong chị lại trỗi dậy dù được bác sĩ Ngọc Phượng thông báo xác suất có con ở độ tuổi 41 của chị rất thấp.
Chị Nga cũng là một trong số ít những trường hợp đậu thai thành công trong lần tiêm thuốc đầu tiên. Quá trình mang thai bé Bảo thật sự khủng khiếp đối với chị Nga. Chị vật vã ói từ lúc mang thai đến lúc sinh, mỗi lần ăn vào chị đều nôn ra hết, thời gian chị nằm viện truyền dịch còn nhiều hơn thời gian ở nhà dưỡng thai.
Khi được bác sĩ trao đứa bé 2,45kg áp vào ngực, chị Nga nghẹn ngào và chỉ biết cảm nhận hơi ấm từ sinh linh bé bỏng của mình. Tuy sinh ra nhỏ vậy, Bảo lại dễ nuôi và bây giờ có chiều cao rất ấn tượng: 1,75m. Cái tên Mai Quốc Bảo được chính ông ngoại đặt và xem như “một báu vật quốc gia”.
Mai Quốc Bảo lớn lên khỏe mạnh, thông minh. Ngay từ bé, Bảo đã có ý thức tự giác, không để ba mẹ phải nhắc nhở chuyện học hành. Hơn thế, cậu còn rất thích chơi thể thao, sở hữu chiều cao vượt trội. Bảo đang là sinh viên của một trường đại học tại Việt Nam.