Theo nhiều người, ngôn ngữ tại Triều Tiên và Hàn Quốc đang ngày càng khác xa nhau do 2 miền bán đảo chia cắt đã nhiều năm. Sự phát triển và hình thành từ vựng theo hướng khác nhau đã khiến người dân hai bên chỉ hiểu được khoảng 70% những gì đối phương nói khi giao tiếp hàng ngày.
Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon từng nói: “70 năm chia rẽ đang thay đổi ý nghĩa và cách sử dụng của các từ ở Hàn Quốc và Triều Tiên”.
Bên cạnh đó, giọng nói khác biệt cũng là dấu hiệu dễ nhận biết. Một số người Triều Tiên cho hay, nếu chưa từng sống gần thủ đô Bình Nhưỡng hoặc một thành phố gần biên giới với Hàn Quốc, ngữ điệu trong giọng nói của họ sẽ bị “nặng” tới mức người Hàn Quốc không thể theo kịp một nửa số câu người Triều Tiên nói ra.
Một doanh nhân Hàn Quốc Kim Yong Tae khi việc với người Triều Tiên tại khu công nghiệp Kaesong trước khi nơi này đóng cửa vào năm 2016 từng cho biết, thách thức lớn nhất của anh là giao tiếp dù người Triều Tiên và Hàn Quốc cùng dùng chung một hệ ngôn ngữ.
“Có nhiều từ tôi chưa bao giờ nghe thấy trong thời gian sinh sống và làm việc ở Hàn Quốc”, ông Kim Yong Tae nói.
Được biết, sự phát triển nhanh và du nhập văn hóa phương Tây đã khiến từ điển của người Hàn Quốc ngày càng xuất hiện nhiều từ mượn. Trong khi đó, tại Triều Tiên, người dân lại có xu hướng dùng từ thuần nhất. Dù cùng sử dụng cùng một ngôn ngữ theo bảng chữ cái Hangeul, tuy nhiên, việc thấu hiểu lẫn nhau trong giao tiếp giữa người Hàn Quốc và Triều Tiên là không hề dễ dàng.
Có thể dẫn ra một số ví dụ như khi người Hàn Quốc nói từ “container”, nhiều người Triều Tiên sẽ không hiểu. Một người Triều Tiên có thể ngỏ lời mời người mình thích là “đi dạo” nhưng người Hàn sẽ gọi đó là “hẹn hò” (date). Nếu người Triều Tiên nói kem là “eskimos”, thì người Hàn Quốc sẽ nói “ice cream”.
Trước tình hình này, trong bối cảnh cải thiện mối quan hệ liên Triều sau 3 hội nghị thượng đỉnh năm 2018,chính phủ Hàn Quốc có thể sẽ tái khởi động dự án học thuật nhằm phát triển một từ điển chung với Triều Tiên.
Các quan chức Hàn Quốc đang làm việc để khởi động lại quá trình tạo ra một từ điển thống nhất và cầu nối giữa ngôn ngữ hai bên. Theo The Guardian, Bộ Thống nhất Hàn Quốc từng đôi lần xuất bản các danh sách nhằm phổ biến cho công dân về sự khác biệt trong ngôn ngữ hai bên.