Mặc dù là một trong những môn học ẩn chứa nhiều ý nghĩa nhân văn trong cuộc sống, thế nhưng nhiều cô cậu học trò lại tỏ ra ngao ngán với môn Ngữ văn. Mặc dù vậy, các thầy cô dạy môn học này luôn biết cách khiến cho các bạn trẻ phải bật cười bởi sự hài hước, vui tính, qua đó gián tiếp giúp cho học sinh dễ tiếp thu bài giảng hơn.
Với đúng tên gọi của mình là Ngữ văn, thông thường học sinh thường được dạy rằng sử dụng ngôn ngữ, văn vẻ đúng với từng hoàn cảnh, tình huống khác nhau. Thế nhưng đôi khi cũng có những tình huống ngoại lệ khiến cho nhiều người không khỏi bật cười khi xem qua. Một trong số đó chính là trường hợp của bài kiểm tra đang “nổi như cồn” trên mạng xã hội ít ngày gần đây.
Theo đó, cộng đồng mạng mới đây đã được một phen dậy sóng với những lời phê bằng tiếng Anh nhưng lại do chính giáo viên Ngữ văn thực hiện. Cụ thể, thay vì ghi tựa đề văn bản bằng tiếng Việt thì chủ nhân của bài làm này đã “dịch” hẳn tác phẩm quen thuộc “Vợ chồng A Phủ” sang tiếng Anh, trở thành “Couple Afu”.
Thế nhưng điều khiến mọi người chú ý đến không phải là điểm số của bài làm mà lại chính là lời phê của giáo viên. Thay vì ghi lời phê ngắn gọn bằng tiếng Việt như bao học sinh khác thì giáo viên này lại “thị uy” kiến thức Anh ngữ của mình bằng một tràng tiếng Anh.
Cô giáo này viết: “A very nice couple but ‘couple Afu’ is not the real name of this short story! So, don’t write like that any more please! Do you understand?”, tạm dịch là: “Một cặp đôi rất đẹp nhưng ‘couple Afu’ không phải là tên thật của truyện ngắn này! Vì vậy, đừng viết như thế nữa! Em hiểu chưa?”.
Câu chuyện ngay sau khi được đăng tải đã thu hút sự quan tâm của không ít người dùng. Đa phần trong số này đều tỏ ra thích thú trước sự tinh quái của cậu học sinh cũng như độ lầy lội, hài hước của giáo viên.
– “Không may cho cậu học trò là gặp ngay giáo viên cao tay ấn hơn rồi”.
– “Cô mình mà gặp kiểu ghi tiếng Anh này là 0 điểm luôn rồi, bài Văn Việt Nam thì ai lại cho Anh hóa như thế chứ?”.
– “Chắc cô giáo đam mê tiếng Anh từ nhỏ nhưng bố mẹ lại bắt làm cô giáo dạy Ngữ văn đây mà!”.
– “Cô giáo trường người ta luôn là mơ ước của biết bao thế hệ học trò”.