Mới đây, trên trang Confession của một trường ĐH tại Hà Nội, một tâm sự của một cô gái về vấn đề thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Theo đó, cô gái này vừa tốt nghiệp tại một Đại học ở Hà Nội, cũng như nhiều bạn bè khác, cô gái hào hứng nộp đơn xin việc ở nhiều nơi. Tuy nhiên, lần nào cũng bị từ chối vì nhiều lí do khác nhau, trong đó, lí do mà cô nàng nhận được nhiều nhất là "phía công ty anh/chị chỉ tuyển các trường kinh tế, bằng cấp của em chưa phù hợp".
Điều này khiến cô gái trẻ thực sự buồn bã và thất vọng. Sau nhiều lần trượt phỏng vấn, cô quyết định chọn công việc là một công nhân vệ sinh môi trường - ngành nghề không liên quan đến ngành học hay bằng cấp của cô. Điều này cũng khiến cô cay đắng, áp lực đè nặng đến suýt gục ngã.
Nguyên văn câu chuyện được chia sẻ như sau:
"Mình là cựu sinh viên trường...Tốt nghiệp K59, đã làm lao công được hơn nửa năm nay.
Ngày ấy, mình là một sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, cũng muốn tìm cho mình một công việc lí tưởng, phù hợp với chuyên ngành, thế mà loay hoay mãi chưa tìm được việc. Cũng rải CV cả chục chỗ, mỗi lần chuông điện thoại reo là mừng vì tưởng đã được gọi đến phỏng vấn nhưng đáp lại chỉ bằng những sự từ chối thẳng thừng, lí do đưa ra nhiều nhất là phía công ty anh/chị chỉ tuyển các trường kinh tế, bằng cấp của em chưa phù hợp.
Áp lực đè nặng đến suýt gục ngã, mình không dám đối diện với việc bản thân là đã thất nghiệp. Nhưng vì miếng cơm manh áo, cuối cùng cũng đành cắn rơm cắn cỏ đi làm công nhân vệ sinh môi trường.
Mỗi ngày bắt đầu công việc từ 5h sáng đến tận đêm khuya. Cũng có lúc là 2-3h sáng khi mà xe chuyển gặp sự cố hoặc là gặp những ngày mưa bão. Đường Láng là cung đường gắn với mình từ ngày bắt đầu công việc.
Mỗi ngày Thủ đô thải ra vô vàn tấn rác mỗi loại. Vẫn biết quét và thu gom rác là nghề vất vả nhưng ra trường thất nghiệp, mình cũng đành chấp nhận. Hồi mới vào làm hơi chậm vì nhiều rác lại mệt. Các bác đồng nghiệp làm trước chỉ cách làm, chỉ cách quét, đoạn này quét thế nào, đoạn kia quét ra sao. Dần dần cũng quen, tự làm được.
Mới lập gia đình và có con nhỏ, chồng lại đi làm xa nên mọi chi tiêu trong gia đình đều dựa vào đồng lương ít ỏi 5 triệu đồng/ tháng và thêm 20.000 đồng cho mỗi ca độc hại. Đó là lí do mình bám trụ với nghề.
Khi thành phố chìm trong giấc ngủ, thì những chiếc chổi được ngơi nghỉ thì ca làm việc cũng kết thúc. Khi đó bữa tối cũng bắt đầu. Khi thi hộp xôi, khi thì chiếc bánh mì tạm bợ qua loa chống đói.
Dường như đã quen với giờ giấc đi làm của nên đứa con mình vẫn chưa ngủ để đợi mẹ về. Công việc cực nhọc nặng nề, thời gian khác với mọi người. Hơn thế nữa phải thường xuyên tiếp xúc với rác thải độc hại, các chất trong điều kiện không an toàn nên nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp là rất cao. Nhưng có lẽ vừa là công việc mưu sinh, vừa là trách nhiệm nên cũng đành phải chấp nhận đối mặt với những nguy hiểm đó hàng ngày.
Thay vì chăm chăm vào việc “học chữ”, học kiến thức, mình nghĩ các bạn sinh viên cũng cần phải năng động, tự định vị được giá trị của bản thân và biết mình ở đâu so với các trường đại học khác ở Hà Nội để cố gắng vươn lên, trang bị cho mình nền tảng tư duy, kĩ năng và thái độ đúng đắn để có thể thích ứng với cuộc sống vốn đầy áp lực, biến động và bất định bên ngoài cánh cửa trường đại học. Khi đó, mới mong bớt đi những bạn trẻ như mình phải ngậm ngùi xếp xó tấm bằng đại học để vật lộn trong cuộc mưu sinh cực nhọc hàng ngày!".
Ngay sau khi câu chuyện của cô gái trẻ xuất hiện trên MXH lập tức nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Rất nhiều ý kiến khác nhau cũng được đưa ra bàn luận xoay quanh câu chuyện này.
Theo đó, có ý kiến rất đồng cảm với tâm trạng, cảm xúc mà cô gái từng trải qua. Bởi lẽ, ai cũng ước muốn được làm đúng chuyên ngành mình từng học, được trải nghiệm những công việc bản thân yêu thích và tất nhiên, chẳng ai muốn học Đại học xong lại phải làm một ngành nghề trái với mong muốn cả.
Loạt ý kiến khác lại phân tích những điều mà cô gái phải chịu cảnh thất nghiệp. Có lẽ, cô gái đã có lỗ hổng từ những ngày tháng học Đại học, đó chính là thiếu kỹ năng mềm. Bởi lẽ, ngoài kiến thức chuyên môn, việc trau dồi kỹ năng mềm là rất quan trọng, nếu chúng ta có lối ứng xử khéo léo, xử lý tình huống nhanh nhẹn, ăn nói lưu loát, thuyết phục thì sẽ tạo cảm tình tốt với cơ quan tuyển dụng. Kể cả khi mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc thì cũng có cơ hội để lọt vào "mắt xanh" của nhà tuyển dụng.
Bên cạnh đó, những cư dân mạng khác cũng đưa ra lời khuyên cho cô gái trẻ này. Bất kỳ công việc hay ngành nghề nào cũng đáng trân trọng, chỉ cần chúng ta biết nỗ lực thì sẽ nhận được thành quả xứng đáng. Chính vì vậy, nếu đã quyết định chọn công việc là một công nhân vệ sinh môi trường, thay vì buồn chán thì hãy thay đổi cách nhìn, thái độ về ngành nghề này, từ đó cố gắng nhiều hơn, chắc chắn cô gái sẽ nhận được những "trái ngọt" bất ngờ.
Còn bạn, ý kiến của bạn về vấn đề trên như thế nào?