Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Chuyện cảm động về nam sinh mắc bệnh xương thủy tinh, gần 20 năm từ lớp 1 đến Đại học đều đi nhờ đôi chân của cha mẹ

Suốt từ năm lớp 6 đến hết lớp 12, người mẹ tảo tần của Quân chính là đôi chân của cậu bạn này mỗi lần đến trường. Lên đến Đại học, bắt đầu cuộc sống sinh viên cũng là lúc ba của Quân khăn gói lên thành phố theo cậu đi học.

Nguyễn Hoàng Quân (SN 1999, Mạng máy tính và truyền thông, sinh viên năm nhất, ĐH Công Nghệ thông tin TP.HCM) vốn mắc căn bệnh xương thủy tinh từ nhỏ khiến cậu bạn không thể đi lại như bao bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, với nghị lực và ý chí quyết tâm, Hoàng Quân đã nỗ lực vươn lên với ước mơ trở thành sinh viên trường ĐH Công nghệ thông tin.

7 năm ròng đi học bằng đôi chân của mẹ

Theo lời Quân kể lại, lúc mới sinh, cậu chưa có dấu hiệu gì của bệnh xương thủy tinh. Tuy nhiên, khi các đứa trẻ có thể lật, bò thì cậu bé ngày nào chỉ nằm im một chỗ. Gia đình cũng đã đưa Quân đi khám nhưng các bác sĩ chỉ nói rằng Quân bị còi xương, uống sữa đầy đủ sẽ phát triển bình thường.

Năm Quân lên lớp 1, trong một lần chơi đùa cùng bạn bè, do bất cẩn, Quân bị ngã gãy xương đùi. Lúc này, khi gia đình đưa Quân đi bệnh viện, bác sĩ vẫn chưa phát hiện Quân bị bệnh xương thủy tinh. Lên lớp 5, trong 1 lần đạp xe đi học, Quân bị ngã, không may, xương đùi lại bị gãy ngay vết thương cũ, từ lần đó trở đi, Quân dần phải làm “bạn” với cây nạng.

Chàng sinh viên mắc bệnh xương thủy tinh Nguyễn Hoàng Quân.

Tuy nhiên, đó chưa phải là cú ngã đau nhất của Quân, đến cuối năm lớp 6, trong 1 lần chống nạng đi quanh nhà, do con ốc trên cây nạng bị tuột ra, khiến Quân té nhào 1 lần nữa. Vết thương cũ lại tái phát nặng hơn khiến Quân không thể cử động. Lần này, ba mẹ Quân phải đưa Quân đến Trung tâm chỉnh hình của huyện để khám.

Qua thăm khám, gia đình bàng hoàng nhận tin Quân bị bệnh xương thủy tinh. Cũng từ ngày đó trở đi, chân tay của Quân ngày càng bị cong, teo nhỏ, co quắp lại và không thể đi lại bình thường được. Không những vậy, dần dần, răng của Quân yếu và tự rụng, gãy. Mỗi khi trái gió trở trời, các khớp xương của cậu đều lên cơn đau nhức.

Từ ngày nhỏ, cây nạng trở thành người bạn quen thuộc của Quân.

Suốt từ năm lớp 6 đến hết lớp 12, người mẹ tảo tần của Quân là cô Nguyễn Thị Bé Đào (41 tuổi, ngụ Long An) chính là đôi chân của cậu bạn này mỗi lần đến trường. Vì hoàn cảnh của con trai, cô Đào phải bỏ tất cả công việc đồng áng, ruộng vườn và xin vào làm lao công tại trường tiểu học gần nhà để tiện cho việc chăm sóc, đưa đón Quân đi học.

“Hằng ngày, khoảng 4h30 sáng là mẹ mình dậy, chạy qua trường để quét dọn như công việc phân công. Đến tầm khoảng 6h sẽ xong, mẹ lại trở về nhà, chuẩn bị đồ ăn sáng và tranh thủ thời gian cõng mình đến lớp. Đến giờ tan tầm, mẹ lại đến tận lớp để cõng mình về. Suốt từ năm lớp 6 đến hết lớp 12, ngày nào mình cũng “ngự” trên lưng mẹ bước qua từng bậc thang tầng học như thế. Thực sự, mình đã đi học trên đôi chân của mẹ suốt nhiều năm như thế!”, Hoàng Quân chia sẻ.

Lên Đại học, đi học bằng đôi chân của Cha

Kể về cha mình - chú Nguyễn Thanh Tòng (40 tuổi, ngụ Long An), Hoàng Quân cho biết, ngày trước, khi còn ở dưới quê, hằng ngày, ba của Quân theo công trình phụ việc, đến khi công trình hoàn thành, ba lại trở về với những công việc ai thuê gì làm đó, vì vậy, thu nhập không ổn định.

Bên cạnh Hoàng Quân, cha mẹ cậu bạn còn phải lo cho cậu em trai năm nay cũng bắt đầu lên Đại học. Hoàn cảnh gia đình vốn khó khăn, nay lại chất chồng gánh nặng lên đôi vai những người làm cha mẹ.

Kể từ ngày Quân rời quê nhà Long An lên TP.HCM bắt đầu cuộc sống sinh viên cũng là lúc chú Nguyễn Thanh Tòng khăn gói lên thành phố cùng cậu. Vì biết được hoàn cảnh của Quân, ban quản lí KTX ĐHQG TP.HCM đã tạo điều kiện cho 2 cha con được ở cùng phòng, giúp ông Tòng tiện việc chăm sóc, đỡ đần Quân.

Chú Nguyễn Thanh Tòng (áo xanh, cha của Quân) theo Quân lên Sài Gòn để tiện việc chăm sóc, đưa đón cậu bạn đi học.

Cũng giống như mẹ Quân ngày trước, giờ đây, Quân đi học trên đôi chân của ba mình. Hằng ngày, ba Quân tranh thủ đưa quân đến lớp, cõng cậu bạn vào yên vị trong lớp học rồi trở về với công việc cắt tỉa, chăm sóc cây xanh. Đến giờ nghỉ trưa, chú Tòng lại tranh thủ đến trường để đưa con trai về lại KTX ăn uống, nghỉ ngơi. Cứ thế, cả năm nay, Quân cùng cha đến trường.

Chú Tòng chia sẻ: ” Mới đầu lên thành phố, tôi cũng chưa biết phải làm gì để nuôi con. Nửa tháng trời, tôi cũng lăn lộn tìm việc mà khó khăn quá, phần vì không có bằng cấp, kinh nghiệm, phần vì tuổi tác, hơn nữa, chỗ làm xa chỗ ở của Quân, khó khăn cho việc đưa đón con nên cũng lo lắng lắm. May mắn, tôi gặp được mấy anh em gần đây giới thiệu cho công việc công nhân cây xanh, vừa kiếm thêm thu nhập vừa có thể sắp xếp thời gian để chăm sóc con trai”

Nuôi 2 cậu con trai học Đại học, gia đình chẳng khá giả gì nên khó khăn nhiều lắm, nhưng thấy các con ham học, biết suy nghĩ, vợ chồng tôi cùng mừng. Dù có vất vả đến đâu, chỉ cần các con muốn đi học, tôi cũng cố hết sức mình”, chú Tòng chia sẻ.

Nghị lực phi thường của chàng trai xương thủy tinh

Theo Hoàng Quân chia sẻ, từ cấp 1 đến năm lớp 6, Quân chỉ đạt danh hiệu học sinh khá, thế nhưng, từ năm lớp 6 đến hết lớp 12, cậu liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ngoài ra, năm nào, Quân cũng vinh dự nhận học bổng của trường, huyện hỗ trợ.

Trong kì thi THPT năm 2017 vừa qua, Quân đã xuất sắc giành 24,5 điểm ở tổ hợp môn khối A. Chia sẻ về ngành mạng truyền thông và máy tính hiện tại cậu bạn này đang theo học, Quân cho biết: “Vì biết bệnh tật của bản thân nên từ khi lên cấp 3, mình đã đầu tư vào khối tự nhiên, đồng thời ấp ủ hi vọng thi vào trường ĐH Công Nghệ thông tin. Mình tìm tòi, hỏi thêm sự tư vấn ở các anh chị đi trước rồi quyết định chọn ngành học hiện tại. Rất may, mình đã chọn đúng ngành”.

Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân Quân lại bệnh tật nhưng cha mẹ cậu sinh viên này luôn cố gắng hết mình để lo cho Quân ăn học đến nơi đến chốn.

Cũng theo Quân, gia đình Quân ở dưới quê thuộc diện khó khăn, ba mẹ chỉ là những người lao động nghèo nên để có tiền cho 2 anh em Quân đi học đến nơi đến chốn, ba mẹ Quân phải nổ lực, cố gắng gấp nhiều lần người khác.

“Mẹ mình làm lao công theo giờ nên cũng không có được nhiều tiền, công việc của ba cũng bấp bênh nên hoàn cảnh gia đình cũng khá khó khăn. Mỗi lần đóng học phí cho 2 anh em, mẹ phải chạy vạy khắp nơi, thấy thương lắm. Cũng may, lên Đại học, mình có thể vay vốn sinh viên cộng với số tiền học bổng mình nhận được, giúp ba mẹ nhẹ gánh phần nào.

Chính vì thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, Hoàng Quân luôn tự hứa với bản thân sẽ quyết tâm, cố gắng học tập tốt, sau này ra trường kiếm một công việc đàng hoàng để báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ suốt những năm tháng nhọc nhằn đã qua.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Yến Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất
Siêu mẫu Bình Minh tái xuất