Học đường

Chuẩn bị làm tân sinh viên, sĩ tử giắt túi ngay bí kíp đế sống sót qua thời đại học

Trân Trân
Chia sẻ

Trở thành sinh viên là các bạn đã mở ra một chương mới của cuộc đời mình. Điều này sẽ khiến không ít bạn bỡ ngỡ, nhưng chỉ cần giắt túi các bí kíp sau, đảm bảo bạn sẽ sống tốt qua 4 năm đại học luôn.

Chọn chỗ trọ an ninh phù hợp

Người ta thường bảo “an cư lạc nghiệp” và câu này không chỉ người trưởng thành mới cần giữ trong tâm mà các bạn sắp trở thành tân sinh viên cũng nên học nằm lòng. Phần lớn, sinh viên sẽ phải xa nhà khi bước chân vào giảng đường đại học, từ đây bạn sẽ bắt đầu cuộc sống mới, việc chọn một chỗ trọ phù hợp để ở là vấn đề quan trọng hàng đầu.

Nên tìm kiếm chỗ trọ gần trường để thuận tiện di chuyển. Khi đi thuê trọ đừng ngần ngại hỏi những người xung quanh về vấn đề an ninh. Để tránh bị khó chịu, xung đột với chủ trọ, bạn cần phải hỏi rõ ràng về vấn đề tiện nghi thiết yếu như điện nước, internet… cũng như giá tiền trọ cụ thể đã bao gồm các phí vừa nêu hay không.

Bạn đừng quá tiết kiệm mà thuê trọ ở xa, sập xệ, không an toàn… Nơi ở kém an ninh sẽ làm cho tâm thái luôn lo âu bất ổn, khó lòng chú tâm học tập. Nhà trọ quá xa nơi học sẽ khiến bạn tốn sức đó là chưa kể chi phí đi lại cũng sẽ bị tăng đáng kể.

Khi đã chọn được nhà trọ ưng ý, bạn nên thỏa thuận rõ ràng trên giấy tờ ngay từ đầu về thời gian, giờ giấc, chi phí điện, nước và các mức phí khác. Tránh việc thỏa thuận miệng vì chủ nhà có thể tăng giá, cắt hợp đồng mà không có lý do chính đáng.

Quản lí chi tiêu

Trở thành tân sinh viên đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nhiều mối quan hệ hơn, tham gia nhiều cuộc vui hơn, vì thế tiền cũng nhanh chóng bốc hơi hơn. Nhưng hầu như các bạn sinh viên đều sống nhờ vào trợ cấp của gia đình, chứ chưa tự chủ kinh tế hoàn toàn, nên cần cân nhắc trong việc quản lí tiền bạc. Nếu các cuộc vui không cần thiết đừng ngại từ chối.

Rất nhiều sinh viên vì cả nể bạn bè, mà thường tiêu sạch tiền trợ cấp của bố mẹ từ những ngày đầu tháng, rồi ăn mì gói qua ngày đợi đến kỳ “lương” tiếp theo. Sinh viên đồng ý phải vui, nhưng vui thôi đừng vui quá, phải nhớ mình chưa làm ra nhiều tiền. Hãy chi tiêu thông minh, vào những việc cần thiết. Đừng để việc ăn mì gói qua bữa trở thành nỗi ám ảnh cuộc đời sinh viên bạn do dùng tiền không đúng cách.

Quản lí thời gian

Đại học tuy ít vất vả và căng thẳng hơn trung học nhiều, nhưng thời gian của bạn sẽ tràn ngập các bài tiểu luận, kì thi, sự kiện và cả những buổi đi chơi. Sẽ không có ai nhắc nhở bạn từng chút một như trước nữa. Vì vậy, hãy chủ động học cách quản lý thời gian của bạn. Dành một thời lượng nhất định cho việc học và làm bài tập để bạn không bị cuốn đi bởi vô số sự kiện ngoại khóa sôi động và các cuộc hẹn đi chơi đầy hấp dẫn.

Học cách tự học tại nhà

Một giờ học ở lớp bằng 3 giờ học ở nhà. Đây không phải câu nói vui mà là mô tả chính xác nhất cho sự học của sinh viên. Hầu hết các sinh viên đều cảm thấy chán nản, thiếu tập trung khi ngồi trên giảng đường, nhưng đến cận kề ngày thi thì bạn sẽ cuống cuồng nhận ra kiến thức trong đầu mình là con số 0. Lúc ấy, bạn mới lao vào học ngày học đêm để trả nợ đống bài tập đến deadline hay các bài tiểu luận.

Vậy nên, hãy rèn luyện khả năng học tại nhà, điều này giúp bạn tổng hợp lại kiến thức đã được dạy. Và rèn các thói quen khác, rất tốt cho bạn đi làm sau này, như là thói quen anti-procrastination (chống trì hoãn) chẳng hạn.

Mở lòng để kết nối bạn bè

Thời Đại học sẽ là khoảng thời gian đáng nhớ nhất nếu bạn có những người bạn thân thiết. Suốt 4 năm học, bạn sẽ được giảng viên giao rất nhiều bài tập nhóm, bài thuyết trình, dự án,… đòi hỏi bạn không chỉ có khả năng hoạt động độc lập tốt mà còn có tinh thần làm việc nhóm, hợp tác cao.

Bạn không thể làm hết các việc này nếu chỉ có một mình. Vậy nên bạn hãy mạnh dạn, chủ động kết thân, tìm cho mình những người người bạn phù hợp để có thể vừa cùng nhau học tập, vừa cùng nhau chia sẻ những buồn vui của tháng ngày sinh viên. Biết đâu trong những người bạn thân ấy, có người sẽ trở thành… một nửa của đời bạn.

Hãy tìm cho mình một công việc làm thêm

Làm thêm trong thời sinh viên không chỉ giúp bạn có thêm thu nhập mà còn giúp bạn chuẩn bị hành trang cho cuộc sống khi ra trường. Đó là những kỹ năng về giao tiếp, ứng xử, sự va chạm trong công việc giúp bạn trưởng thành hơn và tự tin hơn.

Công việc làm thêm dành cho sinh viên rất nhiều, nhưng tôi khuyên bạn nên cố gắng tìm việc nào tiệm cận với ngành học của mình càng nhiều càng tốt, để vừa làm vừa tích luỹ kinh nghiệm cho mình khi ra trường.

Chia sẻ

Bài viết

Trân Trân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất