“Chim trời ai dễ đếm lông, nuôi con ai dễ kể công tháng ngày“, lời ru dân gian quen thuộc này như nói hộ tấm lòng của các đấng sinh thành trên toàn thế giới. Yêu con vô bờ như vậy, nên cha mẹ cũng là những người mong con thành công trong cuộc đời này hơn bất cứ ai. Điều này càng được chứng minh qua hình ảnh phụ huynh nằm rạp xuống đất, để ngóng vào trường thi với ánh mắt lo âu không biết con có làm bài được không, được chụp tại Giang Tây (Trung Quốc) mới đây.
Gaokao (kỳ thi đại học ở Trung Quốc) là một kỳ thi quan trọng. Trong tiềm thức của các bậc phụ huynh Gaokao có tính quyết định sự thành bại của một đời người. Vì lẽ đó, không chỉ học sinh cuối cấp mà phụ huynh cũng trở thành những “thí sinh”, đồng hành cùng con chinh chiến mỗi độ hè về.
Dạo một vòng quanh khu vực tổ chức thi, không khó để nhìn thấy các khuôn mặt lo lắng, vẻ thấp thỏm đứng ngồi không yên của bố mẹ trong lúc đợi con mình. Đặc biệt, hình ảnh những bậc cha mẹ đang nằm rạp xuống đất để ngóng vào xem tình hình con mình thi cử ra sao đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội và nhận được nhiều phản ứng trái chiều.
Một số người cho rằng, hình ảnh này thật bôi bác, nhưng số khác lại thông cảm, đồng tình với hành động có phần lộn xộn này. Bởi vì tính chất cuộc thi Gaokao quá khốc liệt, điểm số quyết định phần lớn cuộc đời của các em. Điểm số đó là căn cứ để vào đại học, học trường nào, đồng nghĩa với nghề nghiệp nào đang chờ đón. Kết quả càng tốt, học sinh được cho là sẽ có tương lai tươi sáng hơn với địa vị xã hội cao, sự giàu có và thậm chí quyền lực.
Đối với hầu hết người Trung Quốc, đặc biệt là những người có nền tảng không tốt, chịu nhiều thua thiệt, điểm số cao trong kỳ thi Gaokao là phương tiện duy nhất để đổi đời.
“Đó là một con đường rất hẹp nhưng là cách duy nhất giúp tôi rời khỏi vùng quê này và bước ra ngoài thế giới. Gaokao mang đến nhiều cơ hội cho những đứa trẻ ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Nếu như không có nó, hàng triệu đứa trẻ xuất thân thấp kém như tôi sẽ không có bất cứ niềm hy vọng nào”, Y Minhong - nhà sáng lập cơ sở giáo dục ngôn ngữ New Oriental Education chia sẻ trên South China Morning Post.
Một số hình ảnh phụ huynh thấp thỏm chờ đợi con trong giờ thi Gaokao: