Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Chưa hết vướng trong vụ hàng trăm học viên trường Múa 'kêu cứu'

Các phụ huynh nói, kể cả có bằng trung cấp chuyên nghiệp thì bằng THCS vẫn quan trọng nhất. 'Chúng tôi không tham vọng con sẽ thi lên ĐH Bách khoa hay Kinh tế mà chỉ cần vào trường theo đúng ngành nhưng cánh cửa gần như đã đóng lại'.

Sau khi phụ huynh "kêu cứu" vì con học 6 năm ở Học viện Múa Việt Nam nhưng ra trường không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT và bằng trung cấp nghề, Bộ GD-ĐT đã có công văn trả lời Bộ VH-TT-DL về việc này.

Theo đó, Bộ GD-ĐT đồng ý để trường Múa được in phôi bằng và in bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp cho những trường hợp đã hoàn thành đầy đủ chương trình.

Tuy nhiên, công văn chỉ cho phép trường Múa được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho những học viên đã hoàn thành chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT đã quy định, mà cũng chưa đề cập tới việc giải quyết thế nào về vấn đề cấp bằng THCS hay THPT.

Do đó, nhiều phụ huynh cho hay, về bản chất, việc này chưa giải tỏa được hết nỗi lo của họ.

Chưa hết vướng trong vụ hàng trăm học viên trường Múa 'kêu cứu' Ảnh 1
Học viện Múa Việt Nam - nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Thanh Hùng

Trường Múa không được quyền cấp bằng THCS và THPT

Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Trần Văn Hải, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam cho rằng, việc đào tạo văn hóa phổ thông trong Học viện Múa là rất đặc thù và thường “ít ai vào đây để học văn hóa”.

“Với hệ cao đẳng Diễn viên múa theo đề án đào tạo được phê duyệt theo chủ trương của quyết định 92/2004, từ lúc lớp 6,7, các học viên này đã được tuyển vào học. Với ngành học này, không có quy định chúng tôi phải cấp bằng với hệ dài hạn và chúng tôi cũng không phải cơ sở được quyền cấp bằng THCS và THPT”,  ông Hải khẳng định.

Về việc tại sao từ đầu không nắm thông tin vào học ngành Diễn viên múa hệ dài hạn tại Học viện Múa Việt Nam sẽ không được cấp bằng THCS, THPT, các phụ huynh thừa nhận một phần lỗi do họ chưa tìm hiểu kỹ. Tuy nhiên, một số phụ huynh cũng cho rằng nhà trường cũng có phần trách nhiệm khi đã không thông tin rõ ràng.

Anh Hoàng Mạnh Cường, phụ huynh cháu T. (sinh năm 2001, học viên khóa 2) cho rằng lẽ ra, trường cần thông báo rõ với phụ huynh đây là môi trường đặc thù, chuyện học văn hóa và cấp bằng khác với trường khác.

Chị Phạm Thị Thanh Thủy, phụ huynh của học viên K4 Kịch múa hệ cao đẳng, cho rằng khi tuyển sinh vào, nhà trường đã không giải thích rõ chuyện con chị cũng như nhiều người khác sẽ không thể có được bằng văn hóa.

Theo chị Thủy, tấm bằng tốt nghiệp THCS là quan trọng nhất. Bởi dù có được xác nhận đã học hết chương trình THPT, nếu con chị muốn dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT, điều kiện cứng về hồ sơ là phải có bằng tốt nghiệp THCS.

“Tuổi nghề múa rất ngắn, và thường chỉ làm khi còn trẻ. Nếu không có bằng tốt nghiệp THCS, THPT, sau này, muốn học hoặc chuyển sang ngành khác, thì các con phải làm thế nào?”, chị Thủy nói và đưa ví dụ sẵn có nghề múa, nếu con chị muốn rẽ ngang sang dạy mầm non thì sẽ khó khăn. 

“Muốn vậy, con sẽ phải học thêm bằng sư phạm mầm non. Nhưng ai cho con thi vào sư phạm mầm non khi không có bằng tốt nghiệp THCS lẫn THPT?”, chị Thủy đặt vấn đề.

“Kể cả con chúng tôi có bằng trung cấp chuyên nghiệp, có bằng cao đẳng chính quy thì 2 tấm bằng này cũng không có giá trị. Chúng tôi không tham vọng con chúng tôi học ở đây xong sẽ thi lên ĐH Bách khoa hay Kinh tế quốc dân mà chỉ cần vào trường theo đúng ngành như ĐH Sân khấu - Điện ảnh nhưng cánh cửa này gần như cũng đã đóng lại”, chị Thủy nói.

Chưa hết vướng trong vụ hàng trăm học viên trường Múa 'kêu cứu' Ảnh 2
Ảnh: Thanh Hùng

Cần tiếp tục kiến nghị

Trước nỗi lo của các phụ huynh, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT góp ý, phụ huynh nên đề xuất với Học viện Múa Việt Nam để kiến nghị lên Bộ VH,TT&DL. Khi Bộ VH,TT&DL làm việc và đề xuất với Bộ GD-ĐT, từ đó Bộ GD-ĐT mới có thể cho ý kiến.

Ông Độ cho hay, vấn đề này có thể giải quyết theo hướng rà soát, xem xét khối lượng kiến thức văn hóa mà học viên Học viện Múa Việt Nam đã được học (theo đề án đào tạo mà Bộ VH,TT&DL đã phê duyệt thông qua Quyết định 92/2004/QĐ-BVHTT).

Theo ông Độ, đây là một chương trình tích hợp nên không tương đương với chương trình phổ thông. Do đó, muốn xét tốt nghiệp THCS, các em phải được học bổ sung đủ khối lượng kiến thức đã được quy định.

“Cho nên phải rà soát xem chương trình học của các em, trên cơ sở đó mới làm việc với phòng GD-ĐT để tổ chức xét được. Để giải quyết, phải kết hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên để tổ chức học tập và cho học viên tham dự kỳ thi cuối năm. Bởi bản chất khối lượng kiến thức văn các học viên học hiện nay là chưa đủ”, ông Độ nói.

Với trường hợp học sinh có nhu cầu được cấp bằng tốt nghiệp THPT cũng vậy, theo ông Độ, các em cần phải được học đủ khối lượng kiến thức chương trình THPT, phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp chung với học sinh THPT của cả nước trước khi tính đến việc được cấp bằng.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Vietnamnet

Được quan tâm

Tin mới nhất