Đại học Kinh tế Quốc dân được thành lập năm 1956. Tính đến nay, ngôi trường này đã có bề dày lịch sử hơn 60 năm. Xuyên suốt quãng thời gian ấy, NEU luôn được đánh giá là một trong những nơi đứng đầu cả nước về chất lượng đào tạo khối ngành Kinh tế và Quản lý.
Với bề dày lịch sử của mình, ĐH Kinh tế Quốc dân đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng nhiều nhân tài cho đất nước. Bao lớp thế hệ sinh viên đã ra trường là biết bao nhiêu những doanh nhân, nhà kinh tế, nghiên cứu… thành đạt. Tuy nhiên, có một điều ít ai biết là những con người kiệt xuất thuộc hàng giàu có bậc nhất Việt Nam này cũng từng học và tốt nghiệp Cử nhân ĐH Kinh tế Quốc dân.
Dưới đây là danh sách một số doanh nhân nổi tiếng từng tốt nghiệp NEU:
Chủ tịch HĐQT THMILK, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (BacAbank) - 'Madame' Thái Hương - Cử nhân khoa Kế toán tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân
Bà Thái Hương là một trong những doanh nhân nổi tiếng Việt Nam, hiện đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm sữa TH, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bắc Á, CTCP Xây dựng và dịch vụ thương mại Vạn Niên.
Năm 1994 bà Hương cùng một số cộng sự thành lập ngân hàng TMCP Bắc Á với vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Sau 21 năm thành lập, hiện ngân hàng này trả qua nhiều lần tăng vốn điều lệ và hiện con số là 3.000 tỷ đồng.
Đến năm 2008, bà Hương quyết định bước chân vào ngành sữa với việc thành lập THMilk. Hiện THMilk là một trong số những cái tên lớn trong ngành sữa với trang trại có 45.000 con bò sữa.
Năm 2015, bà Thái Hương lần đầu tiên được lọt vào danh sách những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Forbes.
Về trình độ học vấn, bà Hương từng tốt nghiệp và nhận bằng Cử nhân khoa Kế toán Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát
Ông Long hiện là doanh nhân giàu có nhất ngành thép, đồng thời là một trong những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam. Hai vợ chồng ông Long hiện nắm giữ lượng cổ phiếu HPG trị giá gần 7.000 tỷ đồng.
Tiền thân của tập đoàn Hòa Phát là công ty TNHH Thiết bị phụ tùng Hòa Phát thành lập năm 1992. Dưới sự lãnh đạo của ông, Hòa Phát đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực thép xây dựng, ống thép, nội thất văn phòng…
Ngoài ông Long, 4 thành viên HĐQT khác của Hòa Phát cũng từng học tại Đại học Kinh tế quốc dân, là các ông Trần Tuấn Dương, Nguyễn Mạnh Tuấn, Doãn Gia Cường, Nguyễn Ngọc Quang và Tạ Tuấn Quang.
Về con đường học vấn, nhiều nguồn tin từ các bài báo tiết lộ ông Long từng tốt nghiệp và nhận bằng Cử nhân tại Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1986.
Doanh nhân Dương Công Minh - “Chủ soái” Him Lam
Ông Minh sinh năm 1960, quê Quế Võ, Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Cử nhân ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân).
Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là đại tá trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý các doanh nghiệp quân đội. Ông Minh là Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, CTCP Chứng khoán Liên Việt, CTCP Liên Việt Holdings. Tập đoàn Him Lam nằm trong top doanh nghiệp bất động sản lớn nhất do ông Minh nắm giữ 99% cổ phần (vốn điều lệ 6.500 tỉ đồng). Có thể nói giá trị cốt lõi của Him Lam chính là ông Dương Công Minh.
Từ việc phải bán nhà để trả nợ trong một lần đi buôn bị lỗ, ông lập công ty hợp thức hóa nhà đất, sau đó ông bước vào lĩnh vực bất động sản với khoảng 30 dự án bất động sản lớn nhỏ đã và đang đầu tư với tổng số vốn hơn 20.000 tỉ đồng. Ngoài ra, ông còn tham gia vào lĩnh vực kinh doanh sân golf với dự án đầu tiên là khu liên hiệp sân tập golf, nhà hàng, phòng hội nghị Him Lam - Ba Son tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh được hoàn thành năm 1999.
Ông Nguyễn Văn Sự - Người quyền lực số 2 tại Hoàng Anh Gia Lai
Ông sinh năm 1958, quê ở Quảng Nam, tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Trước khi về đầu quân cho HAGL với vị trí nhân viên kế toán vào năm 1994, ông đã có hơn 10 năm làm việc tại Sở Công nghiệp tỉnh Gia Lai. Điểm đặc trưng mà người ta dễ nhận thấy ở ông Sự là dáng vẻ gầy gò, khuôn mặt hơi khắc khổ với phong cách thời trang giản dị, có phần bụi bặm.
Ông là người có quyền lực thứ 2 với mức lương cao chỉ sau Bầu Đức ở HAGL. Năm 2013, ông Sự nhận 3,14 tỉ đồng tiền lương, trong khi Bầu Đức là 4,18 tỉ đồng. Ông cũng nắm hơn 3 triệu cổ phiếu của HAGL, chiếm khoảng 0,4%. Với những bước thực thi chiến lược thành công tại HAGL đã cho thấy khả năng điều phối của ông Sự. Bên cạnh đó, với xuất thân nền tảng là dân kế toán nên chiến lược của ông là quản lý hiệu quả. Với ông điều quan trọng nhất để điều hành một tập đoàn đa ngành là con người và phân quyền.
Mặc dù kín tiếng và ít xuất hiện hơn, nhưng ông Sự và Bầu Đức có thể xem là “cặp bài trùng” với hai cá tính đối lập một nóng tính, một mềm mỏng, khéo léo bổ khuyết cân bằng cho nhau trong quá trình điều hành.
Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SeaBank, Chủ tịch Tập đoàn BRG
Bà Nguyễn Thị Nga là người Hà Nội, sinh năm 1955, tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân) và đã từng học nhiều lớp kinh tế ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc, đồng thời là người Việt Nam đầu tiên được mời ở George Town (Mỹ) do quỹ tài trợ Hillary Clinton, phu nhân cựu tổng thổng Bill Clinton, dành riêng cho các nhà lãnh đạo tập đoàn kinh tế.
Thời kỳ còn đi học tại Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch, cô nữ sinh viên lớp Kế hoạch Khóa 19 luôn dịu dàng, duyên dáng. Luôn đứng đầu lớp Kế hoạch - K19 của Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch về kết quả học tập, nhưng cô nữ sinh cũng thường xuyên tham gia các hoạt động văn nghệ của sinh viên.
Cô nữ sinh duyên dáng ngày trước giờ đây đã là Bà Chủ tịch của SeABank, ngân hàng thương mại cổ phần lớn ở Việt Nam.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Nga cũng thành lập tập đoàn BRG trong đó có nhiều công ty và các dự án khác ở Việt Nam đặc biệt là Kings Island Golf Resortvà Ruby Tree Golf Resort. Đồng thời bà còn sở hữu 2 khách sạn lớn tại Hà Nội dưới sự quản lý của Hilton Worldwide và nằm cổ phần tạiIntimex.