Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Chàng trai từ chối Google về nước làm blockchain chống gian lận thi cử

Hệ thống xác thực trình độ học vấn của 3 bạn trẻ tới từ TP.HCM là một trong 4 sản phẩm tiêu biểu nhất trong cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” được vinh danh tối ngày 11/11 tại Hà Nội.

Lê Yên Thanh, sinh năm 1994 là một trong số những người sáng lập Hệ thống xác thực trình độ học vấn. Ảnh: Nguyễn Thảo

Lê Yên Thanh, sinh năm 1994, một trong số những sáng lập viên cũng chính là giám đốc kỹ thuật của một phòng “lab” nghiên cứu về blockchain, nơi cho ra đời sản phẩm này.

Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP.HCM năm 2016, nhờ những thành tích ấn tượng trong học tập cũng như trong các cuộc thi, Yên Thanh xin được một suất thực tập sinh tại Google (Mỹ). Ở đây, Thanh được làm việc trong nhóm bảo mật của Google - nơi mà cậu đã học hỏi được rất nhiều để áp dụng cho những nghiên cứu sau này.

Dù nhận được lời mời ở lại làm việc cho Google và một số công ty khác, nhưng Thanh vẫn quyết định về Việt Nam để khởi nghiệp.

Nghiên cứu về blockchain được 2 năm nay, Thanh và nhóm nhận thấy giáo dục là một trong những lĩnh vực “hot” nhất hiện nay có thể ứng dụng blockchain. “Một trong những tính chất của blockchain là tạo được niềm tin cho người dùng. Một trong những thứ cần niềm tin nhất trong giáo dục là việc tổ chức thi cử. Do đó, nhóm bắt đầu nghiên cứu hướng áp dụng blockchain vào việc tổ chức thi cử” - Thanh chia sẻ.

Bắt tay vào làm sản phẩm cách đây một năm, nhóm đặt ra mục tiêu “đưa những logic của một kỳ thi lên blockchain”, ví dụ như quá trình thí sinh nộp bài, chấm bài, công bố kết quả…

Nhóm sáng lập Hệ thống xác thực trình độ học vấn là một trong 4 nhóm đạt giải cao nhất cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018. Ảnh: Nguyễn Thảo

Lợi ích đầu tiên mà hệ thống của nhóm mang lại là giúp tổ chức và lưu trữ dữ liệu thi cử một cách có hệ thống và phân tán dựa trên tính chất của blockchain. Qua đó, góp phần tối ưu hoá về vấn đề bảo mật và an ninh mạng cho những dữ liệu quan trọng trong thi cử.

“Nhờ blockchain, mọi thông tin sẽ được minh bạch, rõ ràng và không thể bị tác động từ bên ngoài. Ví dụ như một thí sinh đã nộp bài rồi thì không ai có thể thay đổi bài làm của thí sinh đó, kể cả người quản trị của hệ thống cũng không thể nào thay đổi được. Những thông tin đó được minh bạch và tất cả mọi người có thể thấy. Điểm của thí sinh như thế nào, tại sao được ngần ấy điểm, làm bài đúng hay sai, tất cả mọi người đều có thể thấy được…” - Thanh giải thích về hệ thống của mình.

Ngoài ra, từ hệ thống dữ liệu được lưu trữ đó, nhóm có thể cung cấp dịch vụ tra cứu kết quả thi cử của từng thí sinh phục vụ cho quá trình tuyển dụng của các doanh nghiệp, hoặc giúp doanh nghiệp tìm ra những ứng viên đã từng đạt kết quả tốt trong các kỳ thi.

Ví dụ như doanh nghiệp cần những người giỏi Toán ở địa bàn TP.HCM trong vòng 5 năm, thì doanh nghiệp có thể tra cứu và hệ thống sẽ trả về danh sách đáp ứng những yêu cầu đó. Khi hệ thống dữ liệu đủ lớn, mỗi người sẽ có một “hồ sơ thi cử” trên hệ thống.

Thanh cho biết, hiện tại sản phẩm đang trong giai đoạn thử nghiệm và mới đủ khả năng phục vụ được những kỳ thi cho khoảng 10.000 người trở xuống, ví dụ như kỳ thi của trường, của tỉnh. “Hiện tại, nhóm đang nghiên cứu để tăng giới hạn này lên. Dự kiến khoảng cuối năm sau sẽ đáp ứng được những kỳ thi khoảng 1 triệu thí sinh. Trên thế giới, đã có những nơi nghiên cứu để áp dụng cho khoảng 1 triệu, 10 triệu thí sinh rồi”.

Để đưa vào sử dụng cho những kỳ thi lớn như kỳ thi THPT quốc gia, Thanh cho biết, trước hết cần phải đáp ứng được điều kiện về mặt cơ sở vật chất - đủ số máy tính cho toàn bộ học sinh trên cả nước thi cùng một lúc. “Đây là một công nghệ có sẵn khi mà cơ sở vật chất đủ tiềm lực thì sẽ áp dụng được”.

Về mặt chi phí, theo khảo sát của nhóm với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chi phí cho 1 sinh viên trên 1 bài thi tốn khoảng 5 nghìn đồng. Trong khi đó, chi phí hiện tại cho 1 thí sinh trên 1 bài thi của hệ thống này chỉ tốn 1 nghìn đồng. Trong tương lai, chi phí này còn giảm xuống từ 10-20 lần, Thanh cho biết.

Như vậy, nguồn thu của hệ thống sẽ được lấy từ 2 nguồn: bên tổ chức kỳ thi và phía doanh nghiệp muốn lấy dữ liệu thi cử từ hệ thống.

Theo dự kiến của nhóm, cuối tháng 3 năm sau, sản phẩm sẽ được công bố chính thức và nhóm sẽ bắt đầu làm việc với các bên tổ chức thi cử.

Chàng trai sinh năm 1994 chia sẻ, hiện tại phòng “lab” của nhóm có 15 người, hầu hết là những người trẻ. Ngoài sản phẩm này, nhóm cũng đang nghiên cứu những sản phẩm khác về giáo dục.

Lễ trao giải cuộc thi “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2018 được tổ chức tối ngày 11/11 tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thảo

Hệ thống xác thực trình độ học vấn bằng công nghệ blockchain là một trong 4 công trình xuất sắc nhất được trao giải thưởng Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2018 do Trung ương Đoàn THCS Hồ Chí Minh tổ chức. Mỗi nhóm tác giả giành chiến thắng được trao tặng 100 triệu đồng. Các sáng kiến, công trình lọt vào vòng chung khảo được trao giải 10 triệu đồng.

Bốn công trình, sáng kiến đạt giải cao nhất của năm 2018 gồm có: Đèn học thông minh The Smart Light công nghệ 4.0 (IoT) của tác giả Nguyễn Huy Du (Hà Nội); VEC - Hệ thống xác thực trình độ học vấn bằng công nghệ Blockchain của nhóm tác giả Lê Yên Thanh, Lâm Trung Hiếu, Nguyễn Lâm Ngọc Bích (TP HCM); Thiết kế thiết bị PSE giúp cho trẻ mắc hội chứng down học đọc thông qua các chủ đề của kỹ năng sống của nhóm tác giả Dương Thị Thu Hà, Bùi Minh Ngọc, Bùi Khánh Vy (Hà Nội); Phần mềm học tiếng Anh trực tuyến IOSTUDY của nhóm tác giả Lục Quang Tấn, Trần Đức Thắng, Nguyễn Thành Luân, Phạm Trung Hiếu, Nguyễn Anh Tuấn (Lào Cai).

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” được Trung ương Đoàn THCS Hồ Chí Minh, Bộ GD-ĐT, Báo Tuổi trẻ và một doanh nghiệp triển khai trong giai đoạn 2016-2020. Chương trình nhằm cổ vũ, khuyến khích đoàn viên, thanh niên, trí thức trẻ dưới 35 tuổi đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua các công trình, sáng kiến thuộc ba nội dung: Đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; Sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; Công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Năm 2018, từ 401 công trình, sáng kiến gửi về, ban giám khảo đã lựa chọn ra 14 sản phẩm vào vòng chung khảo

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Vietnamnet

Được quan tâm

Tin mới nhất