Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Chặng đường chinh phục giấc mơ Đại học đầy gian nan nhưng không ít 'trái ngọt' của nữ sinh khiếm thị

Cuộc sống với nhiều khó khăn, biến cố ập đến liên tục khiến cô nữ sinh khiếm thị tưởng chừng dang dở giấc mơ Đại học. Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường, tinh thần lạc quan cùng sự cố gắng, cô gái đã chinh phục được giấc mơ cao đẹp ấy.

Trần Nguyễn Ngọc Trâm (cựu sinh viên khoa Lịch sử, ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP.HCM) mắc bệnh thoái hóa điểm vàng mắt bẩm sinh. Căn bệnh khiến điểm vàng mắt của cô gái bị tổn thương, tế bào thần kinh mắt gần như chết hoàn toàn. 

Chính vì thế, Trâm không thể nhìn thấy ánh sáng, trong giao tiếp, Trâm buộc phải cảm nhận và ghi nhớ người đối diện thông qua giọng nói.

Chặng đường chinh phục giấc mơ Đại học đầy gian nan nhưng cũng lắm trái ngọt

Không gục ngã trước số phận, Ngọc Trâm đã làm nên bao điều kỳ tích khiến gia đình, bạn bè, thầy cô không khỏi ngưỡng mộ. Dù đôi mắt bị hỏng, nhưng Ngọc Trâm trước giờ chưa từng dùng đến chữ nổi hay một biện pháp hỗ trợ đặc biệt dành cho người khuyết tật.

Trái lại, Trâm có thể viết chữ trên giấy trắng ngay hàng thẳng lối như các bạn bình thường, thậm chí, chữ nghĩa rất rõ ràng, trình bày sạch đẹp, cẩn thận. Để làm được điều này, Trâm trang bị cho bản thân một chiếc kính dày cộm chuyên biệt, sau đó, Trâm sử dụng phần thị lực ngoài rìa mắt, cúi sát xuống sách vở và ghi chép.

Chặng đường chinh phục giấc mơ Đại học đầy gian nan nhưng không ít 'trái ngọt' của nữ sinh khiếm thị Ảnh 1
Trần Nguyễn Ngọc Trâm (cựu SV ĐHKHXH&NV TP.HCM) mắc bệnh thoái hóa điểm vàng mắt bẩm sinh. Vượt lên nghịch cảnh, cô bạn đã chinh phục giấc mơ Đại học và đạt những thành tích đáng gờm.

Ngay cả chuyện đỗ Đại học đến giờ vẫn là một kỳ tích đối với Trâm và cả người thân trong gia đình nữ sinh. Thời điểm Trâm đến tuổi đi học mẫu giáo, ba mẹ vì thương Trâm nên vẫn đăng ký cho Trâm đến lớp để cùng sinh hoạt, học tập với các bạn cho vui. 

Cuộc sống dần trôi, cô bạn đã bước lên lớp 1 cùng bao bạn bè đồng trang lứa. Dù rất ham học hỏi nhưng khiếm khuyết về đôi mắt khiến mọi thứ trở nên không dễ dàng đối với Ngọc Trâm. Suốt những năm lớp 1, 2, 3… Trâm không có thành tích học tập tốt, thậm chí, chữ viết cũng liên tục bị leo hàng. So với bạn bè, Trâm không có gì nổi bật, điều này phần nào khiến Trâm mặc cảm, lầm lì, ít nói cười hơn. 

Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ hè năm lớp 3, Trâm đã vươn lên ngoạn mục, khiến thầy cô cũng bạn bè bất ngờ về học lực của mình khi bước vào lớp 4. Không chỉ viết chữ đẹp, ngay hàng thẳng lối, thời điểm đó, Trâm còn có thể bắt kịp tiến độ học hành như các bạn. 

Chặng đường chinh phục giấc mơ Đại học đầy gian nan nhưng không ít 'trái ngọt' của nữ sinh khiếm thị Ảnh 2
Là cô gái khiếm khuyết về đôi mắt, gia đình lại nhiều khó khăn, nhưng Trâm luôn giữ tinh thần yêu đời và lạc quan khiến nhiều người nể phục

Những năm tháng học phổ thông, Trâm được biết đến là gương mặt tiêu biểu nhiều năm liền tại các cuộc thi học sinh giỏi môn Lịch Sử của trường, huyện, tỉnh tổ chức. Trong đó phải đến loạt thành tích như: giải 3 môn Lịch sử cấp Huyện năm lớp 8; Năm lớp 9 đạt giải khuyến khích cấp Tỉnh; Năm lớp 11 đạt giải nhất cấp Tỉnh; Năm lớp 12 đạt giải 3 cấp tỉnh. 

Không những vậy, sau khi tốt nghiệp THPT, cô gái bé nhỏ đã đậu liền 2 trường Đại học: Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM và Sư phạm Đà Nẵng với số điểm 22. Tuy nhiên, cô bạn đã quyết định chọn học ngành Lịch sử tại Trường ĐH KHCXH&NV TP.HCM.

Chặng đường chinh phục giấc mơ Đại học đầy gian nan nhưng không ít 'trái ngọt' của nữ sinh khiếm thị Ảnh 3
Ngay từ những ngày tháng phổ thông, Ngọc Trâm đã gặt hái được nhiều thành tích học tập đáng nể, nhất là môn lịch sử. 

Sau ngày nhận tin báo đậu Đại học, niềm hạnh phúc vỡ òa chưa được bao lâu thì cả bầu trời sụp đổ dưới chân Trâm. Mẹ và bà nội của Trâm đột ngột đổ bệnh, một mình ba của Trâm phải chạy đôn đáo vay mượn để đưa mẹ và bà nội vào Sài Gòn chữa trị. Lúc ấy, mẹ Trâm bị giun chui vào ống mật nên phải phẫu thuật gấp, còn bà nội thì bị căn bệnh ung thư phổi hành hạ.

Gia đình Trâm quê ở Quảng Ngãi, ba mẹ quanh năm suốt tháng gắn bó với đồng ruộng. Từ ngày mẹ và bà nội bị bệnh, 3 người em của Trâm vẫn đang tuổi ăn học khiến kinh tế suy kiệt. Nghĩ tới đó, Trâm thương mẹ, bà nội và cũng tự thương cho chính mình. Cô nữ sinh 18 tuổi khi ấy gần như suy sụp, cứ nghĩ đến chi phí chữa bệnh cho mẹ và nội mà lòng như lửa đốt.

Ngày nhập học cận kề, Trâm vẫn đấu tranh tư tưởng bởi chi phí học tập, sinh hoạt tại Sài Gòn là vấn đề lớn khiến Trâm băn khoăn.

Tuy nhiên, được ba ủng hộ và đứng ra lo liệu, Trâm đã tiếp tục chinh phục ước mơ Đại học của mình. May mắn hơn nữa, thời điểm này, Ngọc Trâm được KTX Cỏ May (tọa lạc trong khuôn viên Đại học Nông Lâm TP. HCM) hỗ trợ miễn phí nơi ăn chốn ở, giúp cô bạn yên tâm học hành. 

Chặng đường chinh phục giấc mơ Đại học đầy gian nan nhưng không ít 'trái ngọt' của nữ sinh khiếm thị Ảnh 4
Với Trâm, điều may mắn nhất chính là việc luôn được gia đình sát cánh, hỗ trợ và động viên Trâm vượt qua khó khăn. 

Bước vào Đại học, Ngọc Trâm mạnh dạn đăng ký học song song lớp Cử nhân tài năng và lớp chính quy chuyên ngành Lịch sử tại trường ĐH KHXH&NV. Học song song 2 hệ, khối lượng kiến thức gấp đôi nhưng Trâm vẫn luôn hoàn thành tốt việc học của mình.

Minh chứng cụ thể nhất đó là việc liên tục giành được những điểm số ấn tượng cùng những học bổng giá trị dành cho sinh viên có thành tích xuất sắc.

Ở năm thứ 3 và thứ 4 Đại học, Ngọc Trâm liên tục đạt điểm tổng kết 8.0, xếp loại giỏi. Ở học kỳ cuối cùng, nữ sinh bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đạt 9.0 - một điểm số cực ấn tượng và xuất sắc giành học bổng do Khoa trao tặng.

Vừa qua, Ngọc Trâm vừa kết thúc chặng đường Đại học sau 4 năm nỗ lực với tấm bằng loại Khá. Đáng nói, cô bạn đạt điểm tổng kết là 7.90 điểm, suýt soát đạt loại giỏi. 

"Được đi học với mình là niềm vui"

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Ngọc Trâm không như nhiều bạn bè khác tự thưởng cho mình một kỳ nghỉ để thư giãn, thay vào đó, cô bạn ngay lập tức tìm cho mình một công việc để trải nghiệm.

May mắn, Ngọc Trâm đã chọn được công việc phù hợp với chuyên ngành cũng như sở thích của mình. Bên cạnh đó, nữ sinh còn được Sếp tin yêu, đồng nghiệp luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ mỗi khi Trâm gặp khó khăn. 

Trâm chia sẻ, khó khăn lớn nhất bây giờ đối với Trâm có lẽ là việc đi lại. Do khiếm khuyết về đôi mắt nên việc đi lại của Trâm khá bất tiện. Không thể chạy xe máy nên hằng ngày Trâm phải bắt cả xe buýt lẫn xe ôm mới đến được chỗ làm việc. 

Chặng đường chinh phục giấc mơ Đại học đầy gian nan nhưng không ít 'trái ngọt' của nữ sinh khiếm thị Ảnh 5
Vừa ra trường, Trâm quyết định xin việc làm đồng thời học tiếp lớp Nghiệp vụ sư phạm và đăng ký học Thạc sĩ

Khó khăn là thế nhưng Ngọc Trâm không nề hà gì, đối với Trâm, mỗi ngày được đi làm, được gặp anh chị đồng nghiệp là niềm vui. Dù đôi mắt không được bình thường như bao người nhưng xung quanh Trâm lúc nào cũng những người tốt, sẵn sàng giúp đỡ khiến Trâm càng tin yêu vào cuộc sống. 

Vốn là cô gái hiếu học, sau khi tốt nghiệp Đại học, Ngọc Trâm tiếp tục đăng ký thêm lớp Nghiệp vụ sư phạm, và sắp tới sẽ học tiếp lên bậc Thạc sĩ, chuyên ngành Lịch sử Đảng. 

"Mình sẽ mất 2 năm nữa để học tiếp Thạc sĩ, sẽ tốn kha khá thời gian, tiền bạc và cả sức khỏe, nhưng thực sự đi học với mình là niềm vui. 

Ở lứa tuổi của mình, hầu hết bạn bè đều chọn đi làm và có những dự định khác nhau, tuy nhiên, mình vẫn muốn học tiếp chuyên ngành Lịch sử Đảng. Mình rất yêu môn học này, nhờ nó mà mình mới có ngày hôm nay, luôn lạc quan và tích cực dù cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Mình biết rằng, có nhiều bạn không thích môn học này vì nghĩ rằng quá khô khan, khối lượng kiến thức dày đặc khiến các bạn không thể kham nổi. Tuy nhiên, nếu các bạn thực sự chú tâm và  tìm thấy phương pháp học tập đúng đắn thì biết đâu cũng sẽ yêu thích môn học này", Trâm hào hứng chia sẻ. 

Chặng đường chinh phục giấc mơ Đại học đầy gian nan nhưng không ít 'trái ngọt' của nữ sinh khiếm thị Ảnh 6
Cuộc sống phía trước có lẽ còn nhiều khó khăn, thế nhưng, với nghị lực phi thường cùng tinh thần lạc quan, Ngọc Trâm tin chắc rằng, bản thân sẽ vượt qua và chinh phục được tất cả những mục tiêu đặt ra. 

Trâm kể, thời điểm Trâm đưa ra quyết định sẽ học tiếp lên Thạc sĩ, khá nhiều người bất ngờ, thậm chí là phản đối. Bởi lẽ, họ cho rằng, ngoài việc sức khỏe của Trâm không đảm bảo thì còn cả vấn đề về kinh tế. Gia đình Trâm vốn không khá giả, hiện chỉ có cha là lao động chính với nghề sửa xe máy, dưới Trâm còn 3 đứa em vẫn đang tuổi ăn học. Bản thân Trâm lại mới tốt nghiệp, chưa có công việc tạo ra nguồn thu nhập tốt nên không biết sẽ lấy gì để trang trải trong 2 năm tới. 

Tuy nhiên, khi Trâm tâm sự với ba, ba của Trâm ngay lập tức đồng ý và hoàn toàn ủng hộ quyết định học lên Thạc sĩ của cô bạn. Ba còn hứa bằng mọi giá sẽ để Trâm tiếp tục theo đường học hành nên Trâm lại càng có thêm động lực và quyết tâm để chạm đến ước mơ. 

"Mình luôn cảm thấy may mắn khi có một gia đình tuyệt vời. Ba mẹ có thể không giàu có vật chất nhưng lúc nào cũng đong đầy tình cảm. Bản thân mình dù có khiếm khuyết nhưng những gì có được ngày hôm nay, mình thực sự biết ơn cuộc đời", Ngọc Trâm bày tỏ. 

 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Yến Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất