Gần đây, tôi đọc được hai câu chuyện gia đình quốc tế làm bản thân mình nghĩ cứ nghĩ mãi đến chuyện dạy con ở Việt Nam.
Câu chuyện 1: Bố mẹ Mỹ kiện con trai 30 tuổi ra toà vì tội ăn bám.
Cách đây 8 năm, Michael Rotondo thất nghiệp và quay trở lại ở cùng với bố mẹ. Trong suốt 8 năm, anh không đóng góp gì về mặt tài chính cũng không chịu giúp đỡ việc nhà. Kể từ khi anh 30 tuổi, bố mẹ đã nhiều lần yêu cầu anh ra ở riêng và còn đề nghị giúp đỡ anh chàng trong quá trình này, nhưng anh chàng từ chối, để rồi bố mẹ phải kiện anh ra toà. Michael xin toà án cho ở nhà thêm 6 tháng nữa, nhưng thẩm phán bác bỏ đòi hỏi quá đáng này của anh.
Câu chuyện 2: Bố mẹ ngồi ghế hạng sang, con ngồi ghế hạng thường.
Gần đây, phóng viên truyền hình người Anh Kirstie Allsopp gây ra tranh cãi khi tiết lộ khi đi máy bay, chị và chồng ngồi ghế hạng sang trong khi hai cậu con trai, 10 và 12 tuổi, ngồi ghế hạng thường. Một số người tấn công Kirstie với lý lẽ rằng cha mẹ như thế là vô trách nhiệm, đi máy bay phải ở gần con cái để mà quản nó. Kirstie phản bác lại rằng 10 và 12 tuổi là lớn rồi, không cần người lớn phải kè kè ở bên.
Theo Kirstie, ngồi máy bay hạng sang là một phần thưởng mà bạn phải làm việc rất vất vả mới có được. Cho con ngồi ghế hạng sang là chiều chuộng con quá đáng, sẽ làm hư con. “Nếu đẻ ra nó đã được hưởng thụ như thế, nó đâu còn phải phấn đấu vì điều gì.”
Hai câu chuyện này không phải là những câu chuyện thường ngày ở nước ngoài, vì nếu thường xuyên gặp thì nó đã không được lên báo. Nhưng đặt trong văn cảnh gia đình Việt Nam, nó là điều không tưởng.
Khá nhiều độc giả Việt Nam bình luận câu chuyện của Michael là “nực cười”, “chỉ có ở Mỹ”. Có một số bạn nói đùa rằng sắp bị bố mẹ kiện vì không chịu mang con cái về ở cùng với ông bà. Nếu ở Việt Nam, chắc Kirstie sẽ bị các bà mẹ “nhảy vào” chê trách vì làm mẹ mà không biết thương con.
Tôi thì lại thấy rất khâm phục các vị phụ huynh trong hai câu chuyện này. Điều duy nhất tôi băn khoăn là đáng ra bố mẹ của Michael Rotondo phải nghiêm khắc sớm hơn chứ không phải chờ đến khi anh chàng 30 tuổi.
Ở Việt Nam, chúng ta thường ca ngợi hết sức sự hy sinh của cha mẹ, lấy đó là thước đo cho việc hoàn thành thiên chức của họ. Mỗi khi ai đó muốn tôn vinh tấm lòng của cha mẹ, họ đều bắt đầu bằng câu chuyện cha mẹ đã tần tảo, lam lũ, hy sinh tuổi thanh xuân của họ như thế nào cho con cái.
Chính vì những lời tôn vinh này mà các bậc phụ huynh lấy nghĩa vụ chăm lo con cái là nghĩa vụ cho đến hết cuộc đời của mình. Khi đi xe taxi, bác lái xe bảo là con trai bác ra trường mà bác không có “chân” xin được việc cho con nên phải vạy mượn tiền cho nó sang Nhật học thạc sĩ. Mình hỏi sao bác lại phải xin việc cho con, bác bảo ơ hay làm cha mẹ thì phải lo đường sống cho con chứ. Một bác bán hoa ngoài 70 vẫn phải dạy sớm đi lấy hoa bán để trả tiền cho con thuê nhà ở Hà Nội, nó tốt nghiệp nhưng chưa tìm được việc.
Những sự hy sinh này trước hết là làm cho cha mẹ rất khổ. Nhưng liệu những cái khổ này có là cần thiết? Liệu thương con có luôn đồng nghĩa với việc phải hy sinh hết những gì mình có? Và liệu hy sinh hết những gì mình có lại là tốt cho con?
Các cụ nhà ta có câu “lửa thử vàng, gian nan thử sức.” Sự hy sinh hết mình vì con cái đó của cha mẹ Việt đã cướp đi cơ hội thử sức của các bạn trẻ, khiến các bạn trẻ trở nên thụ động, lười biếng, vô trách nhiệm, thiếu tính kiên trì, chỉ biết hưởng mà không biết làm.
Con trai bác lái xe taxi sẽ không bao giờ biết cách tự tìm việc. Sau này khi bố mẹ đã qua đời và cậu chẳng may mất việc, cậu sẽ phải làm sao? Con bác bán hoa không học được cách tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, cứ ỷ lại chờ người khác nuôi.
Tôi đồng cảm với sự khó khăn khi tìm việc trong xã hội ngày nay, nhưng tôi cũng tin rằng thanh niên 20 tuổi bẻ gẫy sừng trâu, chân tay đầy đủ, không có lý gì mà không thể tự kiếm sống bằng sức lao động của chính mình được. Lái xe taxi, chạy grab, bán hoa, chạy bàn, mở shop trên mạng… Bố mẹ chúng ta già cả mà vẫn kiếm được tiền thì chúng ta cũng phải kiếm được tiền.
Thay vì cứ tôn vinh các bậc làm cha làm mẹ hy sinh hết mình vì con và gây ra áp lực rằng cha mẹ thì phải hy sinh hết mình vì con cái, chúng ta cần tôn vinh các bậc phu huynh có thể dạy con nên người mà vẫn biết hưởng thụ cuộc sống của riêng họ.
Chúng ta cần tôn vinh các bậc phụ huynh khi đến tuổi nghỉ hưu biết nghỉ ngơi cho dù con của họ có đang thất nghiệp hay không. Chúng ta cần tôn vinh những bố mẹ già biết thư giãn, uống trà, đi du lịch, gặp gỡ bạn bè mà không để bản thân ngày ngày vướng bận cháu chắt. Chúng ta cần tôn vinh những bố mẹ phụ huynh dám lấy lại không gian dành cho riêng mình ở tuổi già, không phải “chứa chấp” con cái đã trưởng thành chỉ vì “tụi nó” không đủ tiền thuê nhà.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.