Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Câu chuyện truyền cảm hứng từ nữ sinh Hong Kong biết sáu ngôn ngữ

Là người gốc Bangladesh, thấy rõ sự yếu thế của người dân tộc thiểu số ở Hong Kong, Bakar muốn thành nhà lập pháp nhằm thay đổi cục diện.

Fariha Salma Deiya Bakar, 20 tuổi, sinh viên trường City University (Hong Kong, Trung Quốc), khiến bạn bè ngưỡng mộ khi nói thông thạo sáu thứ tiếng, gồm: Quảng Đông, Quan Thoại, Bengal, Hindi, tiếng Anh và Tagalog.

Sinh ra tại Hong Kong, ít ai biết Bakar là người gốc Bangladesh và được coi là nhóm người dân tộc thiểu số. Mọi chuyện bắt đầu khi bố mẹ của Bakar chuyển từ Bangladesh sang Hong Kong khoảng 25 năm trước với tư cách quản lý chi nhánh khu vực của một công ty sản xuất hàng may mặc và phụ kiện. Họ định cư ở thành phố này với hy vọng giúp con cái có một cuộc sống tốt hơn, theo SCMP.

Để hòa nhập, Bakar được học tiếng Quảng Đông từ năm hai tuổi và có thể sử dụng ngôn ngữ này thông thạo như người bản xứ. Bakar cho rằng ngôn ngữ là chìa khóa để xây dựng cuộc sống và sự nghiệp ở Hong Kong.

“Tiếng Quảng Đông rất quan trọng. Nếu không thành thạo, em sẽ gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm, mặc cho bằng cấp của em có cao thế nào chăng nữa. Tiếng Quảng Đông là một phần văn hóa của Hong Kong và nó khiến em có cảm giác thân thuộc với mảnh đất này”, Bakar nói.

Nếu như sinh viên đến từ các vùng dân tộc thiểu số chọn tiếng Quảng Đông để học như ngôn ngữ thứ hai thì Bakar chọn là ngôn ngữ bắt buộc ở trường. Dù giao tiếp thành thạo, em vẫn xem nhiều phim truyền hình và đọc báo địa phương để được đắm mình vào ngôn ngữ. Thậm chí, Bakar thường xuyên ghi lại từ ngữ, câu chuyện từ báo chí để trau dồi vốn từ, ghi nhớ đặc điểm, tính chất ngôn từ.

Fariha Salma Deiya Bakar, nữ sinh gốc Bangladesh ở Hong Kong. Ảnh: SCMP

Em còn tự học hỏi thêm để trở nên thuần thục năm ngôn ngữ khác. Tất cả nhằm hướng tới ước mơ trở thành nhà lập pháp nhằm bảo đảm sự công bằng cho những người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở Hong Kong như em.

“Em biết mình đã may mắn nhường nào khi lớn lên ở Hong Kong một cách bình yên và hạnh phúc. Điều mà nhiều người thuộc các nhóm dân tộc thiểu số xung quanh em không có được. Họ phải đối mặt với vô vàn khó khăn, từ việc giành được một suất học ở trường mẫu giáo đến mở một tài khoản ngân hàng hay thuê một căn hộ”, Bakar nói và nhớ lại người bạn Pakistan từng bị một chủ nhà từ chối cho thuê chỉ vì thuộc dân tộc khác.

Theo điều tra dân số năm 2016, có gần 585.000 người dân tộc thiểu số ở Hong Kong, chiếm 8% dân số thành phố. Số liệu công khai cho thấy trong gần 1.500 nhân viên phục vụ ở 100 cơ quan, chỉ có 1,9% người thuộc nhóm dân tộc thiểu số, theo Tổ chức NGO Zubin.

Điều này khiến Bakar cảm thấy cần có trách nhiệm nâng cao nhận thức về sự công bằng và bình đẳng cho cộng đồng người dân tộc thiểu số. Em muốn nhìn thấy người dân tộc thiểu số hiện diện nhiều hơn trong chính quyền bằng cách trở thành nhà lập pháp và muốn biến Hong Kong thành nơi sinh sống tuyệt vời mà những người thuộc nhóm thiểu số có thể tìm đến.

Bakar dồn toàn bộ nỗ lực để thực hiện ước mơ này. Ba năm trước, em tham gia dự án cấp quyền cho người dân tộc thiểu số ở City University. Nhóm dự án đã tổ chức các lớp tư vấn cho học sinh trung học dân tộc thiểu số, hướng dẫn họ cách sống dễ dàng hơn ở Hong Kong. Năm 2017, Bakar trở thành thực tập sinh mùa hè của Đảng Dân chủ. Ở đây, em được tham gia hỗ trợ tổ chức sự kiện và hội thảo cho người già, thiết kế các áp phích, tờ rơi.

Cơ hội lớn đã đến vào tháng 3/2018 khi một sáng kiến về sự đa dạng trong chính quyền được đưa ra, Bakar tự đề cử mình vào danh sách thành viên dân tộc thiểu số đủ tiêu chuẩn và cam kết phục vụ trong các ủy ban. Em trở thành diễn giả đại diện cho những người trẻ.

“Khi mọi người hỏi nguyện vọng của em là gì, em nói muốn trở thành một ủy viên của Hội đồng Lập pháp để biến Hong Kong thành một nơi đáng sống cho cộng đồng dân tộc thiểu số”, Bakar khẳng định.

Em được cấp trên hiện tại là nhà lập pháp Dennis Kwok Wing-hang chú ý khi phát biểu tại một diễn đàn. Ông ấy đã hỏi em liệu có muốn làm việc ở văn phòng của ông không? Đó là cách Bakar có được công việc bán thời gian như một trợ lý ở Hội đồng Lập pháp. Các đồng nghiệp đã rất ngạc nhiên khi biết em là người dân tộc thiểu số và mới 20 tuổi.

Kể từ tháng 8/2018, Bakar đã làm việc từ 10h sáng đến 6h chiều vào các ngày thứ hai, thứ tư và thứ năm tại văn phòng Kwok ở Khu liên hợp Hội đồng Lập pháp. Em có trách nhiệm nghiên cứu chính sách, soạn thảo và dịch các bài phát biểu hay thông cáo báo chí, theo dõi sự phát triển của các vấn đề quan trọng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến dân tộc thiểu số.

Những công việc Bakar phải làm có vẻ rất phù hợp với một người biết sáu ngôn ngữ như em, nhưng thực tế Bakar đã phải nỗ lực rất nhiều trong việc sắp xếp thời gian để cân bằng lịch trình chặt chẽ giữa công việc và học tập.

“Em nghĩ không việc gì là không đủ thời gian nếu công việc đó xuất phát từ đam mê. Nếu định nằm xuống giường và ôm lấy chiếc điện thoại, hãy nghĩ đến việc dành thời gian để làm những điều ý nghĩa hơn”, Bakar nói.

Nữ sinh gốc Bangladesh cho biết trong tương lai, ngoài giấc mơ trở thành nhà lập pháp, em vẫn muốn thử sức với nhiều nghề nghiệp khác, từ làm luật sư đến huấn luyện viên bơi lội và thậm chí là cả diễn viên. Trong ngành công nghiệp giải trí Hong Kong, không có nhiều người thuộc nhóm dân tộc thiểu số được tham gia. Và em muốn thấy sự đa dạng hơn trên truyền hình.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo VnExpress

Được quan tâm

Tin mới nhất
Ngọc Trinh diện váy ngắn gợi cảm