Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Câu chuyện 49 ngày đạp xe xuyên Việt chiêm nghiệm triết lí sống của vị giáo sư tuổi 61

Suốt hành trình 49 ngày đạp xe qua hơn 3.400km, có những lúc chân căng trên bàn đạp, lưng rạp xuống, gương mặt đẫm mồ hôi, rồi lại gặp cơn mưa xối xả táp vào mặt..., GS Trương Nguyện Thành (61 tuổi) quyết không lùi bước.

Từ vài năm trước, Giáo sư (GS) Trương Nguyện Thành (TP.HCM) đã có chuyến đạp xe từ TP.HCM ra Quảng Bình cùng con trai mình. Sau chuyến đi ấy, ông đã lên ý tưởng cho 2 cha con thực hiện chuyến đạp xe xuyên Đông Nam Á. Nhưng vì dịch bệnh xảy, con trai ông lại đang làm nghiên cứu sinh ra nên ông đành gác lại và thực hiện chuyến đi xuyên Việt cho riêng mình. Ông tự lập team của riêng mình để thực hiện hành trình đạp xe từ cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) đến Đất Mũi (Cà Mau).

Nhiều người khuyên gàn

GS Trương Nguyện Thành chia sẻ, kế hoạch cho chuyến đi của ông cần 4 người. Một người lái xe máy chở balo hành lý kèm theo một số phụ tùng sửa xe đạp để thay thế khi cần, một người đạp xe cùng ông để vừa đi vừa “tra" bản đồ, và một người đi trước tiền trạm kiêm chụp ảnh.

Tuần đầu tiên trong chuyến xuyên Việt của nhóm là chinh phục cung đường đèo hiểm trở ở Hà Giang - nơi địa đầu Tổ quốc. Trong chặng đường này, đôi khi mệt quá, ông phải xuống dắt bộ. Đến Huế, GS Thành tự đặt ra lời hứa với bản thân mình rằng quyết tâm không dắt bộ nữa.

Khi cơn bão Noru đổ bộ vào miền Trung cũng là lúc đoàn của giáo sư Thành vừa đến mảnh đất đầy nắng gió này. Ông kể, biết bao nhiêu bạn bè đã gọi điện, nhắn tin bảo dừng, thậm chí có người còn gọi điện mắng “thôi đừng gàn nữa”, nhưng ông vẫn tin bản thân sẽ tiếp tục thực hiện được kế hoạch. ''Không đáng lo'', ông nói. Với bản lĩnh kiên cường, ông đã đạp xe xuyên mưa, suốt mấy ngày liền từ Nghệ An, Hà Tĩnh, sang Quảng Bình rồi đến Huế.

Cung đường ở Huế đã để lại cho GS Thành nhiều ấn tượng khi ông đạp xuyên phá Tam Giang, đi vào rừng quốc gia Sao La. Đây là khu bảo tồn nên rất hoang vu, không một ngôi nhà, đường vắng tới nỗi những chỗ nước chảy qua còn đóng rêu. Từ A Lưới sang Tây Giang (Quảng Nam) còn thách thức hơn rất nhiều.

Câu chuyện 49 ngày đạp xe xuyên Việt chiêm nghiệm triết lí sống của vị giáo sư tuổi 61 Ảnh 1
GS Thành và hành trình đạp xe xuyên Việt ở tuổi 61, thử thách qua cung đường huyệ miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế)

Hôm ấy, 6h sáng trời mưa nặng hạt, kế hoạch đạp xe là 130km, đường lên dốc đến độ cao khoảng 1.750m. Khi đi đến Thạch Mỹ, dừng nghỉ ăn trưa thì anh chủ quán nhìn thấy quần áo của ông ướt nhẹp còn khuyên ông cởi áo hong khô kẻo mặc ướt lại cảm lạnh. Lúc ấy, ông vẫn cười và nói: “Tôi ướt như chuột từ sáng".

Khi đang ngồi ăn thì nghe thông báo của địa phương về mưa lũ và nguy cơ ngập lụt. Chủ quán khuyên GS Thành và đoàn nên nghỉ lại, chờ bão qua thì đi tiếp. Nhìn trên bản đồ, ông tính toán quãng đường đến đích chỉ còn 30km nữa, nếu đạp nhanh thì chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ nữa đoàn của ông sẽ thoát khỏi vùng trũng, vì thế, khi ăn xong, đoàn của ông vẫn quyết định lên đường.

Theo GS Thành, lợi ích của việc đạp xe như vậy là có thể nghe được tiếng núi rừng, âm thanh của thiên nhiên, chỉ cần nghe có 1 tiếng động nhỏ là phát hiện được. Hơn nữa, vì đi ở đường Trường Sơn nên gió bão cũng đã giảm đi rất nhiều so với đi đường ven biển.

Quyết tâm không dắt bộ, dù mưa gió ông vẫn gồng người lên vượt qua những cơn mưa xối xả. Nhiều người đi xe máy lướt qua ông quát lớn “bộ điên à?”; cũng có người động viên “cố lên”. Ông tự nhủ “ta đã thắng ta”.
 
Thử thách thay đổi lối sống mang tên đèo Lò Xo

Rời vùng đất Quảng Nam đúng đợt lụt sau bão Noru, GS Thành và đoàn sang tới Ngọc Hồi (Kon Tum). Đi Khâm Đức theo đường Hồ Chí Minh được 20km, ông bắt gặp biển cảnh báo Đèo Lò Xo dài 37km. Có lẽ đây là con đèo dài nhất từ Lũng Cú mà ông đã vượt qua. Đường bê tông với những con dốc trùng điệp, mưa và mây mù nên tầm nhìn xa hạn chế, chỉ khoảng vài chục mét. Lúc này ông mới thấm cái tên ''Lò Xo'', vì cứ hết đèo này lại đến đèo khác.

Đến đây, cả GS Thành và bạn đồng hành đều đuối. Lúc mệt thì đoàn dừng chân nghỉ 2 – 3 phút rồi lại đi tiếp.  Có những lúc họ tự hỏi nhau ''liệu còn đạp tiếp được không'', khi cứ đạp qua đèo này tưởng hết rồi thì đèo khác lại xuất hiện với độ cao như nhau.

Và rồi chỉ khi nhìn thấy những đứa trẻ mặc những bộ đồ mùa đông, ông mới biết mình đã vượt qua thử thách kinh khủng nhất.

Qua đèo Lò Xo, GS Thành cảm nhận rõ hai đầu gối của mình ''thấm'' vô cùng. Khi đạp qua con đèo được gọi là “tử thần” ấy, mỗi vòng bánh xe đã cho ông một suy nghĩ rất khác về lối sống. “Bỏ cuộc là một quyết định dễ dàng, nhưng bạn phải sống với nó suốt đời. Và tôi đã không bỏ cuộc khi đạp qua con đèo kinh hoàng”, ông bộc bạch.

Từ Kon Tum, ông tiếp tục đạp về Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông rồi tới Bình Phước, Bình Dương và dừng chân ở TP.HCM. Trong suốt chuyến đi ấy, đoàn của ông không đi theo đường quốc lộ mà hầu hết các chặng đường đều là băng rừng, vượt đèo, đi vào các bản làng.

Ông giải thích, nếu cứ đi thẳng đường quốc lộ thì chẳng có gì trải nghiệm cho bản thân; còn đi qua các làng bản, ông mới được trải nghiệm, thưởng thức những vẻ đẹp văn hoá, ẩm thực mà hơn 60 năm cuộc đời ông chưa được biết tới. Nhiều đường làng đi qua dân bản ra chào đoàn “hế lô” mới thấy chắc người Việt ít đạp xe qua đây.

Chặng cuối cùng là cung đường xuyên qua các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, rồi kết thúc ở Đất Mũi (Cà Mau). Ông bảo đây là chặng được cả đoàn ví như chặng “thưởng thức” thành quả sau các thử thách đã trải qua.
 
Kết thúc 49 ngày vượt qua hơn 3.400km bằng xe đạp, GS Trương Nguyện Thành quay trở lại TP.HCM với công việc chính của mình.

Qua chuyến đi này, ông muốn truyền tới các bạn trẻ thông điệp về quyết tâm vượt qua thử thách, không có cách nào khác ngoài sự đối mặt, trải nghiệm, khám phá và đẩy xa thêm giới hạn của bản thân, làm bật ra sức mạnh bên trong của mình. 

Khi được hỏi cảm nhận của ông sau chuến đạp xe lần này, GS Thành cười sảng khoái và chỉ nói đúng một từ: "Sướng!''.

Vị giáo sư 61 tuổi chia sẻ thêm, ông đã lên kế hoạch lần tới sẽ là một chuyến đạp xe xuyên Đông Nam Á ông tiếp tục cùng với con trai mình.

Những hình ảnh của GS Trương Nguyện Thành trong chuyến thử thách đạp xe xuyên Việt dài 3.400km:

Câu chuyện 49 ngày đạp xe xuyên Việt chiêm nghiệm triết lí sống của vị giáo sư tuổi 61 Ảnh 2
GS Thành tại  Lũng Cú (Hà Giang) - điểm đầu cực Bắc của Tổ quốc.
Câu chuyện 49 ngày đạp xe xuyên Việt chiêm nghiệm triết lí sống của vị giáo sư tuổi 61 Ảnh 3
Qua các cánh đồng ở Hoà Bình, không thể đạp xe bởi đường quá gập ghềnh, ông buộc phải dắt bộ.
Câu chuyện 49 ngày đạp xe xuyên Việt chiêm nghiệm triết lí sống của vị giáo sư tuổi 61 Ảnh 4
Khi qua miền Trung gặp đúng lúc cơn bão Noru đổ bộ nên nhiều cung đường bị nước ngập chia cắt.
Câu chuyện 49 ngày đạp xe xuyên Việt chiêm nghiệm triết lí sống của vị giáo sư tuổi 61 Ảnh 5
Vượt qua rừng keo ở Quảng Trị...
Câu chuyện 49 ngày đạp xe xuyên Việt chiêm nghiệm triết lí sống của vị giáo sư tuổi 61 Ảnh 6
...đến TP Huế.
Câu chuyện 49 ngày đạp xe xuyên Việt chiêm nghiệm triết lí sống của vị giáo sư tuổi 61 Ảnh 7
GS Trương Nguyện Thành tại Rừng quốc gia Sao La.
Câu chuyện 49 ngày đạp xe xuyên Việt chiêm nghiệm triết lí sống của vị giáo sư tuổi 61 Ảnh 8
Đạp xe xuyên mưa, ''chạy lũ'' ở Quảng Nam.
Câu chuyện 49 ngày đạp xe xuyên Việt chiêm nghiệm triết lí sống của vị giáo sư tuổi 61 Ảnh 9
Những trải nghiệm khi đi qua các con đường làng.
Câu chuyện 49 ngày đạp xe xuyên Việt chiêm nghiệm triết lí sống của vị giáo sư tuổi 61 Ảnh 10
Cung đường về với TP Buôn Mê Thuột.
Câu chuyện 49 ngày đạp xe xuyên Việt chiêm nghiệm triết lí sống của vị giáo sư tuổi 61 Ảnh 11
Phút nghỉ chân tại TP.HCM trước khi bắt đầu chặng đường cuối cùng của hành trình đạp xe xuyên Việt.
Câu chuyện 49 ngày đạp xe xuyên Việt chiêm nghiệm triết lí sống của vị giáo sư tuổi 61 Ảnh 12
Hình ảnh GS Thành cùng thành viên trong đoàn tại Cà Mau - điểm cuối hành trình.
Câu chuyện 49 ngày đạp xe xuyên Việt chiêm nghiệm triết lí sống của vị giáo sư tuổi 61 Ảnh 13
Việc sửa xe đều do thành viên trong đoàn tự làm.
Câu chuyện 49 ngày đạp xe xuyên Việt chiêm nghiệm triết lí sống của vị giáo sư tuổi 61 Ảnh 14
Đôi chân đạp xe vượt qua 49 ngày mưa, nắng, gió, bão.
Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Infonet

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất