Môi trường giáo dục ngoài việc mang đến tài nguyên kiến thức cho các học sinh thì đây còn được xem như là ngôi nhà thứ hai, giúp các bạn nhỏ có thể thoái mái vui chơi, chia sẻ những câu chuyện vui buồn. Tuy nhiên, đâu đó, lớp học lại là nỗi ám ảnh của một số bạn nhỏ vì nạn bạo lực học đường, thậm chí giáo viên đứng lớp còn sử dụng những hình phạt mà người lớn mới nghe qua thôi đã "sởn da gà".
Điển hình như câu chuyện một bé trai theo học mẫu giáo ở Dương Châu (Trung Quốc) từng tạo nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận xứ tỷ dân cách đây chưa lâu.
Theo đó, cậu bé trong câu chuyện này tên Tiểu Minh. Một ngày khi con trai đi học về, mẹ Tiểu Minh - chị Lý phát hiện con bị đau họng, bỏ ăn. Sau khi đưa con trai đi thăm khám, bác sĩ cho biết họng của Tiểu Minh sưng đỏ, mụn rộp xung quanh.
Sau khi hỏi rõ lý do con trai, câu chuyện phía sau khiến chị Lý tá hoả. Theo đó, Tiểu Minh cho biết do nói chuyện trong lớp học với bạn bè nên bị cô giáo phạt. Hình thức xử lý là tất cả phải uống nước nóng vừa đun.
"Cô giáo yêu cầu con uống nhanh. Con uống không hết còn các bạn khác uống hết. Cô bắt con uống 4 cốc", Tiểu Minh kể lại với mẹ.
Chứng kiến việc con trai bị phạt một cách tàn nhẫn, mẹ Tiểu Minh đã đến trường, yêu cầu được trích xuất camera giám sát bên trong lớp học. Và đúng như những gì con trai kể, cô giáo đã bắt những học sinh này phải uống nước nóng vừa mới đun.
Trước làn sóng phẫn nộ từ dư luận, cảnh sát đã vào cuộc xác minh. Cô giáo sau đó đã thừa nhận hành vi của mình, đồng thời gửi lời xin lỗi đến gia đình cũng như các học sinh. Được biết, cô giáo có hành vi trái đạo đức, quy tắc giáo dục này không có chứng chỉ hành nghề và đã được cho nghỉ ở nhà ngay sau khi sự việc được phát hiện.
Quả thật, việc uốn nắn con trẻ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là điều nên làm, song không vì thế mà người lớn áp dụng những phương pháp giáo dục đi quá khuôn khổ cho phép, gây nguy hiểm đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của các bé.
Thay vào đó, người lớn nên có cái nhìn cặn kẽ hơn về sự việc, giải thích và phân tích cho các bé hiểu thế nào là đúng sai. Mặt khác, có thể đưa ra những tình huống thực tế, ví dụ đơn giản... để các bé có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề đang gặp phải.