Tư tưởng kiếm tiền “độc hại”
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video chia sẻ cách kiếm tiền trên Tinder của một cô gái có tài khoản YouTube tên K. (28 tuổi). Ngay sau khi đăng tải đoạn clip đã nhận được sự chú ý từ cư dân mạng, hầu hết các ý kiến đều vô cùng bức xúc và lên án gay gắt. Họ cho rằng, cô gái đang tuyên truyền một tư tưởng kiếm tiền độc hại, ăn bám và tìm cách moi tiền người khác. Những cô gái trẻ tuổi, chưa ý thức được đúng sai sẽ dễ bị dẫn dắt và gặp sai lầm.
“Người ta không tay không chân còn đi làm được, mình tay chân đầy đủ có sức lao động lại coi tiền đi hẹn hò là thu nhập chính thì chịu rồi. Hành động quá rẻ tiền, bạn không kiếm tiền chân chính mà kiếm tiền luồn cúi, tiền lừa đảo. Lại còn tự hào về bản thân và những hành động đã làm”; “Tôi thật sự lo lắng khi con gái tôi sau này sẽ phải sống trong xã hội mà có những người kiếm tiền kỳ quái như bạn”; “Không hiểu ở đâu ra suy nghĩ này luôn! Ăn trên mồ hôi nước mắt của người khác, khác gì sống ký sinh”…, đó là những đánh giá của cư dân mạng khi để lại bình luận.
PGS.TS Trần Thành Nam, giảng viên Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, đánh giá, hành động trên cho thấy một bộ phận giới trẻ hiện nay có tư tưởng kiếm tiền độc hại, không yêu lao động, mà chỉ muốn lợi dụng người khác; không có giá trị sống, không chỉ sống không trách nhiệm và không có lòng tự trọng, mà còn nhận thức về an toàn trên không gian mạng và các nguy cơ rất kém.
“Việc tạo ra và tự lan truyền các clip hướng dẫn như nêu trên sẽ khiến người trẻ gắn với một “vết nhơ” về giá trị. Những nội dung này một khi đã đưa lên mạng sẽ tồn tại mãi và đã khiến các bạn nữ bị hủy hoại danh tiếng. Nó sẽ tiếp tục khiến một bộ phận này gặp rắc rối với cha mẹ, trường học, bạn bè và cả luật pháp nữa.
Hơn nữa, trong tương lai, có lẽ các cơ hội xin việc làm của bạn nữ này sẽ gặp khó khăn hơn. Thậm chí nếu bạn nữ muốn tham gia một cuộc thi tài năng, muốn nhận một học bổng cũng có thể bị loại từ vòng đầu tiên vì không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiếu về mặt đạo đức. Đây có lẽ cũng là điều mà nhiều bạn không hề nghĩ tới trước khi đưa các nội dung clip lên mạng”, vị chuyên gia này đánh giá.
Háo hức làm giàu, không đầu tư kiến thức
PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, xã hội trong những năm gần đây xuất hiện tầng lớp trung lưu mới, những bậc cha mẹ giàu nhanh do sự sôi động của thị trường và bất động sản. Họ nuông chiều con, để con không phải làm bất cứ việc gì cả, chỉ tập trung vào học tập. Và hệ lụy của nó là chúng ta có một bộ phận những người trẻ không yêu lao động và không tôn trọng những công việc lao động chân tay.
Thế nên, trước bối cảnh tinh thần doanh nhân, khởi nghiệp đang được đề cao trong xã hội, nhiều bạn cũng háo hức làm giàu, tuy nhiên vấn đề là họ không có thói quen đầu tư cho kiến thức một cách nghiêm túc. Chỉ thích học một số khóa ngắn hạn dạy làm giàu, mà thực chất là các chiêu trò để khiến người khác phải bỏ tiền khi không hoàn toàn ý thức và cân nhắc về nó một cách lý trí.
Thực tế, cũng có nhiều bạn trẻ bây giờ không còn quá coi trọng học đại học mà chỉ muốn học cái gì dễ dàng vận dụng để kiếm tiền ngay ví dụ như học làm đẹp, thậm chí chỉ mong đi làm giúp việc/quản lý cho người nổi tiếng. Hình tượng về một con người thành đạt và giỏi giang luôn là hình ảnh giàu sang qua trang phục, nhà cửa, xe cộ. Phần nhiều trong số họ bị ám ảnh bởi sự giàu sang nên sẵn sàng đầu tư quá mức chi cho diện mạo bên ngoài, sử dụng đồ hiệu, check in nơi du lịch sang chảnh, tốn tiền cho những thứ làm nổi bật cá tính, hình thức và dẫn đến mất cân bằng tài chính. Trở thành một thế hệ vay tiền trước để tiêu, trở thành con nợ, những người nghèo nhưng luôn sang chảnh.
Để giới trẻ không có tư tưởng độc hại, theo vị chuyên gia này thì nhà trường, gia đình và xã hội phải có những liên kết chặt chẽ để giáo dục giá trị cho những người trẻ, đặc biệt là tinh thần yêu lao động.
“Chúng ta cũng phải tự nâng cao năng lực số cho bản thân, cho con trẻ và góp phần loại trừ những thứ xấu, độc trên không gian mạng. Đồng thời, tự thân mỗi người trẻ phải xác định làm giàu bền vững phải dựa trên tài năng, tri thức và việc tạo ra những giá trị nhân văn, tích cực cho xã hội. Trước khi muốn trở thành một người có ảnh hưởng (một KOL) thì chúng ta cần học tập nghiêm túc để trở thành một chuyên gia trước đã”, chuyên gia Trần Thành Nam nhấn mạnh.