Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Thư gửi bố nhân ngày Nhà giáo Việt Nam của Đỗ Nhật Nam: 'Sắp đến 20/11, nghĩ tới bàn tay đầy phấn trắng của Bố, con lại thấy rưng rưng…'

Mới đây, cư dân mạng đã không khỏi xúc động trước những dòng tâm sự trong lá thư gửi người bố đang công tác trong ngành giáo dục của thần đồng Đỗ Nhật Nam.

Thời đi học, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều có riêng cho mình một đứa bạn có bố hay mẹ đang công tác trong ngành giáo dục. Đặc biệt hơn nữa đó chính là việc bố, mẹ của đứa bạn ấy lại trực tiếp giảng dạy lớp của “con mình”, điều này quả không gì vui sướng bằng.

Thế nhưng mấy ai hiểu được nỗi khổ của những cậu bạn đang có bố mẹ là giáo viên, vừa bị chăm từng chút về mặt học tập, vừa bị quản thúc, đôn đốc ở nhà, tưởng rằng là sướng nhưng quả thật điều này mấy ai mà có thể thấu hiểu được.

Thế nhưng dân gian ta có câu, “trong cái rủi lại có cái may”, đa phần những đứa bạn có bố mẹ là giáo viên đều mang trong mình “dòng máu” học giỏi. Và trường hợp của thần đồng nổi tiếng Đỗ Nhật Nam là một ví dụ điển hình.

Có bố là PGS.TS Ngôn ngữ học Đỗ Xuân Thảo, đang công tác tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cậu bé Nhật Nam cũng giống như bao bạn bè khác đôi lúc cũng có những “khó khăn” nhất định mà chẳng biết nói với ai.

Tuy nhiên sau tất cả, Nhật Nam cũng như nhiều đứa trẻ cùng hoàn cảnh khác đều không khỏi tự hào trước ánh hào quang của bố mình khi đang hoạt động trong ngành nghề luôn được xã hội đề cao - “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.

Đỗ Nhật Nam cùng gia đình của mình. Ảnh: FB Đỗ Xuân Thảo

Và nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thần đồng Đỗ Nhật Nam đã có bức tâm thư gửi đến người bố của mình đang là giảng viên. Bức thư này sau đó được cộng đồng mạng quan tâm đặc biệt bởi từng câu, từng chữ trong đó đều khiến nhiều người phải suy ngẫm, thậm chí là rơi cả nước mắt.

Nguyên văn bức thư như sau:

“CÓ BỐ LÀM THẦY GIÁO

Có bố làm thầy giáo… phiền lắm. Con cứ vừa đi ra sân vận động Trường Đại học Sư phạm là thế nào cũng có chị sinh viên chạy ra hỏi: Em có phải con thầy Thảo không, chị là sinh viên của thầy này. Mà những lúc như thế, con toàn đang mặc quần sooc. Aizaaa.

Có bố làm thầy giáo… ngại lắm. Hồi con còn học tiểu học ở trong nước, cô giáo của con hầu hết là học sinh của bố. Cô thường hay hỏi, dạo này bố có viết cuốn giáo trình nào không, rồi cô còn kể là bố ngày trước nghiêm khắc lắm. Nghe cô kể mà con cứ giật mình thon thót, không hiểu cô có nhớ chuyện ngày xưa mà nghiêm khắc lại với mình không. Aizaaaa.

Có bố làm giáo viên… lo lắm. Con theo bố đến các tỉnh trong những chuyến công tác của bố, thế nào cũng có một vài cô vuốt vuốt tóc rồi khen: Đẹp trai giống bố quá! Rồi sau này chắc có nhiều cô thích lắm. Bố cháu ấy à, đào hoa lắm nhé. Bố thì chỉ tủm tỉm cười, chẳng thấy “biện hộ” gì. Aizaaa.

Có bố làm giáo viên… mệt lắm. Bố đọc sách gì hay, bố có phát hiện gì độc đáo về ngôn ngữ, bố tìm hiểu được một kiểu thư pháp mới, bố đọc được tin gì mới về khoa học hay chính trị…. thế là bố sẽ rủ con để trò chuyện cả ngày. Nhiều thứ con thích nhưng cũng có những điều con chẳng thấy gì thú vị. Nhưng lại không nỡ để bố buồn nên con vẫn cứ ngồi nghe. Aizaaaa.

Nhưng bố ơi!

Con vẫn luôn yêu Bố, yêu nghề nghiệp của Bố, yêu tất cả những gì thuộc về Bố, yêu muôn vạn “phiền toái” từ Bố.

Thần đồng Đỗ Nhật Nam cùng bố của mình. Ảnh: FB Đỗ Xuân Thảo

Có hôm Bố đang dạy học, Bố nhắn tin cho con: Con ơi, giờ nghỉ giải lao, bố nhìn xuống đôi bàn tay Bố lấm đầy phấn trắng. Chính từ đôi bàn tay này, Bố đã một mình gây dựng sự nghiệp…

Và thế là con khóc…

Sắp đến ngày 20/11, nghĩ tới bàn tay đầy phấn trắng của Bố, con lại thấy rưng rưng.

Sau này, bàn tay ấy rồi sẽ yếu hơn. Nhưng bố đừng lo, có tay con nắm.

Bố yên tâm gửi tay mình vào tay con Bố nhé!

Con trai của Bố!

ĐỖ NHẬT NAM”.

Bức thư như lời tâm sự chứa chan tình cảm của Nhật Nam dành cho người bố đáng kính của mình. Có lẽ, khi đọc được những lời lẽ ấy, PGS.TS Ngôn ngữ học Đỗ Xuân Thảo sẽ vô cùng tự hào và hạnh phúc vì cậu con trai vừa tài giỏi vừa sống tình cảm.

Có thể thấy được rằng, dù ở một nơi nào đó cách xa hàng nghìn km thì tình cảm cha con, tình cảm của một người “học trò” dành cho thầy giáo vẫn luôn vẹn nguyên, đông đầy như ngày nào. Đó chính là một trong số những truyền thống tốt đẹp đã, đang và sẽ còn lưu giữ ngàn đời sau này của dân tộc Việt Nam - “Tôn sư trọng đạo”.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Nhật Minh

Được quan tâm

Tin mới nhất