Mới vài ngày trước, dòng người nối nhau, chen chúc để về quê tận hưởng kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tạo ra khung cảnh con đường đông nghịt xe cộ, bên còn lại vắng hoe không một bóng ai. Đến hôm nay, dân tình lại chú ý tới bức ảnh dòng người vội vã ngược trở lại, đổ về thành phố dưới cái nắng gay gắt.
Tuy nhiên, bức ảnh con đường ách tắc, dòng người nối nhau đối lập với đường chiều về vắng tanh này lại hiện lên rất khác trong con mắt của hội học sinh cuối cấp: lựa chọn khối học.
Hình ảnh dường như đã khắc họa khá đầy đủ về xu hướng chọn khối học của hội học sinh: khối A (Toán, Lý, Hóa); khối B (Toán, Hóa, Sinh); khối D (Toán, Văn, Anh) thì lúc nào cũng đông nghịt lượt đăng kí, y như con đường dẫn đến thành phố vào ngày cuối của kỳ nghỉ lễ. Ngược lại, khối C (Văn, Sử, Địa) với những môn học thuộc lòng khiến nhiều bạn học sinh khá kinh hãi thì luôn trạng thái “hẻo lánh” như con đường kia.
Bức ảnh được đăng tải trên trang mạng xã hội khiến cánh học sinh không khỏi bật cười. Nhiều bạn học sinh ở các ban A, B, D bày tỏ suy nghĩ cá nhân về việc lựa chọn Văn, Sử, Địa để theo học. Bên cạnh đó, cũng có không ít những bình luận chia sẻ về khối lượng kiến thức khổng lồ khi theo học khối C chứ không chỉ là văn vở, học thuộc lòng và không chịu “động” não như lời hội ban A, B và D vẫn hay đồn thổi.
“Khối C có vẻ bị “kì thị” hơi nhiều nhỉ, kiểu bị xem là không hoạt động não, không giỏi mấy môn như Toán, Lý, Hóa, Anh, Sinh này nọ. Nhưng cũng thấy vô lý! Nó thuộc về năng lực học, sở thích của mỗi người nữa chứ!”.
“Khối C toàn dân lãng mạn nhé, tán gái bằng lời hay chứ không nhàm như mấy con số đâu”.
“Thật sự thì đa phần người siêng năng và sống tình cảm đều vào hết khối C. Vào khối C học nhiều cực nhiều, phải trí nhớ tốt lắm mới học nỗi hoặc sớm tốt nghiệp ĐH”.