Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 15/2024 quy định, bằng tốt nghiệp THCS của học sinh sẽ không còn xếp loại giỏi, khá, trung bình như trước. Như vậy, bằng tốt nghiệp của học sinh lớp 9 năm học 2023-2024 sẽ bắt đầu áp quy định mới này. Một điểm khác so với trước đây nữa đó là, số lần xét tốt nghiệp THCS sẽ tăng lên 2 lần (trước đây 1 lần).
Trường hợp người học chưa được công nhận hoàn thành chương trình THCS khi nghỉ học quá 45 buổi trong năm học lớp 9. Tuy nhiên, học sinh được đăng ký với cơ sở giáo dục để học lại lớp 9 để xét công nhận tốt nghiệp.
Ở góc độ phụ huynh, chị Nguyễn Thị Phượng, có con học lớp 8, Trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa (Hà Nội) nói rằng, do có quan điểm có áp lực mới có thành tích nên việc xếp loại ở bằng cấp phần nào tạo động lực cho các em phấn đấu. Hơn nữa, nếu con học tốt, cầm bằng tốt nghiệp xếp loại giỏi vẫn có cảm giác thích thú hơn. Tuy nhiên, điều phụ huynh cảm thấy yên tâm hơn đó là, học sinh được xét tốt nghiệp lần 2 nếu chưa đủ điều kiện ở lần 1.
Bà Đặng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ, việc bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp ở cấp học này không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Bởi lẽ, lâu nay việc xếp loại trên bằng tốt nghiệp không có giá trị cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn nào đó, cũng có người cho rằng, học sinh sẽ giảm động lực học tập khi không còn phân loại giỏi, khá, trung bình. Khi đó, các em chỉ cần cố gắng để đạt mức độ đủ xét tốt nghiệp là xong.
"Nhưng thực tế, nếu học sinh không nỗ lực trong suốt quá trình học tập ở bậc THCS sẽ rất khó đạt mục tiêu đỗ vào trường THPT chất lượng. Do đó, dù bằng tốt nghiệp không xếp loại, học sinh vẫn chịu áp lực và phải cố gắng để đạt mục tiêu trước đó đã đặt ra”, bà Đặng Thị Thu Hà nói.
Học sinh có ít sức ép hơn
Đánh giá điều chỉnh mới của Bộ GD&ĐT về việc cho xét tốt nghiệp THCS tối đa 2 lần thay vì 1 lần như trước mang tính nhân văn, bà Hà còn cho rằng, cách làm này tạo thuận lợi rất lớn cho các nhà trường và người học. Trước đây, chỉ được xét tốt nghiệp một lần nên có một số em trượt tốt nghiệp phải chờ đến năm sau mới đăng ký kiểm tra lại, thời gian rất dài ảnh hưởng đến việc học lên của học sinh.
Với quy định mới, những em chưa được công nhận hoàn thành chương trình THCS trong năm học lớp 9 do kết quả học tập cả năm học đó xếp loại “Chưa đạt” hoặc học lực cả năm xếp loại yếu, kém được đăng kí với nhà trường để kiểm tra, đánh giá lại các môn học hoặc đăng ký rèn luyện trong kỳ nghỉ hè để được đánh giá lại.
“Như vậy, các em có thêm 3 tháng hè để học tập, bồi dưỡng thêm. Với cách làm này, đánh giá sẽ thực chất người học hơn, phụ huynh cũng nhìn nhận năng lực của con đúng hơn so với trước đây chỉ xét tốt nghiệp một lần”, bà Hà nói.
Còn thầy Vũ Văn Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) nhìn nhận, sau 4 năm học ở bậc THCS, việc xếp loại học sinh sẽ phân loại năng lực học trò rõ nét hơn. Ngược lại, khi bỏ xếp loại khá, giỏi, trung bình học sinh sẽ có tâm lý học tập thoải mái, ít có sức ép hơn. Nhất là ở khu vực các trường THPT có điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10 chưa cao, tỉ lệ học sinh thi đỗ khá lớn.
Trong khi, theo định hướng phân luồng, hướng nghiệp, học hết bậc THCS những em có năng lực tốt sẽ cố gắng học tập để học tiếp THPT, lựa chọn ngành nghề theo năng lực. Những em còn lại có thể lựa chọn học nghề ngay sau khi tốt nghiệp.
Thầy Hải cũng chia sẻ thêm, ở bậc THCS, nhiều năm nay nhà trường đã chú trọng làm công tác tư vấn, định hướng nghề từ sớm cho học sinh thế nhưng gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân phần lớn do nhận thức, quan điểm của phụ huynh.
Qua các năm cho thấy, đa số phụ huynh đều có mong muốn cho con dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT để học tiếp mà không nhìn thẳng vào năng lực của học tập của con cái. "Nhiều em học xong THPT, xét học bạ vào các trường ĐH tốp dưới, sau đó lại quay ra làm nghề rất lãng phí rất lớn thời gian, tiền bạc. Trong khi đó, sau khi hoàn thành bậc THCS, nếu năng lực chưa thật sự tốt, các em hoàn toàn có thể định hướng lựa chọn nghề nghiệp từ sớm", thầy Hải nói.