Do không còn quy định điểm sàn như các năm trước, nhiều trường, ngành học giảm điểm trúng tuyển xuống 13. Nếu tính điểm cộng ưu tiên khu vực và đối tượng ở mức cao nhất theo quy định, thí sinh chỉ cần đạt dưới 4 điểm/môn đã đỗ đại học.
Không được hạ điểm chuẩn quá thấp
Trả lời Zing.vn sáng 10/8, ông Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết các trường tự quyết định điểm trúng tuyển và nhìn chung nhiều trường xác định điểm tiếp nhận hồ sơ là 13.
Ông Tuấn thông tin về nguyên tắc, các trường xét điểm từ trên xuống dưới, dựa vào số lượng thí sinh đăng ký vào ngành. Khi đủ thí sinh theo chỉ tiêu hoặc nhỉnh hơn một chút để dự phòng, trường lấy mức điểm đó làm chuẩn.
Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhận định một số trường có mức trúng tuyển thấp (13 điểm) khả năng do số lượng thí sinh đăng ký vào ngành ít, có khi hạ xuống sàn vẫn chưa đủ chỉ tiêu. Nhưng chắc chắn, điểm chuẩn không thấp hơn điểm sàn mà các trường đã công bố trước đó. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm, Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra và xử lý.
Như vậy, liên quan phản ánh về điểm chuẩn của không ít trường đại học vùng và đại học địa phương ở mức 13, Bộ GD&ĐT chưa can thiệp, miễn trường đảm bảo điểm chuẩn không thấp hơn điểm sàn. Ông Tuấn cho rằng trách nhiệm của bộ là thực hiện công tác hậu kiểm thay vì trực tiếp quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào như trước.
Điểm chuẩn 13 không ảnh hưởng chất lượng đào tạo?
Năm nay, ĐH Tiền Giang là một trong số những trường lấy điểm trúng tuyển 13 cho nhiều ngành học. Cụ thể, trừ Giáo dục Mầm non có điểm chuẩn 15, các ngành còn lại đều 13 điểm.
Theo PGS.TS Võ Ngọc Hà, hiệu trưởng ĐH Tiền Giang, trường đã nghiên cứu rất kỹ mới đưa ra mức điểm chuẩn này. Điểm chuẩn 13, 14 hay 15 phụ thuộc độ khó của đề thi. Đề thi mỗi năm mỗi khác, không ổn định. Xã hội quan tâm nhiều đến điểm chuẩn, đặc biệt việc hạ điểm chuẩn, nhưng vấn đề còn nằm ở chỗ điểm chuẩn là gì và kết quả thi năm đó ra sao. Việc xác định mức trúng tuyển phải căn cứ mặt bằng điểm chung.
Đại diện nhà trường cho biết năm ngoái, điểm thi THPT quốc gia cao, số lượng thí sinh đạt 30 điểm lớn. Nhiều trường thậm chí lấy điểm chuẩn 30 và cũng có trường hợp 3 điểm 10 không trúng tuyển. Trong khi đó, năm nay, không ngành nào có điểm trúng tuyển đạt 30. Điểm chuẩncủa một số ngành giảm sâu. Vì thế, 13 điểm cũng có thể tương đương 15 điểm năm ngoái hay 16 điểm của năm nào đó.
Ông Hà nói thêm trong quá trình tuyển chọn, ĐH Tiền Giang căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường cùng phổ điểm chung để xác định điểm đầu vào. Dư luận không đi sâu vào phổ điểm mà nghĩ 5 điểm là mức trung bình, bỏ qua vấn đề cơ bản là đề thi có đáp ứng được điều đó hay không. Việc chia kiến thức 60/40 chỉ là dự kiến ban đầu của người ra đề.
“Đầu tiên, chúng tôi xây dựng làm sao để đảm bảo điểm trung bình. Nhưng thực tế phổ điểm rơi vào khoảng đó thì làm thế nào? Chúng ta không thể mặc định 5 điểm là trung bình mà có thể 3, 4 điểm mới là trung bình. Nhìn vào phổ điểm chung của kỳ thi THPT quốc gia, điểm trung bình năm nay nằm ở khoảng đó”, ông Hà nêu quan điểm.
Hiệu trưởng ĐH Tiền Giang cho biết năm ngoái, Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn, trường thực hiện nghiêm túc. Năm nay, bộ cho phép các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Sau khi cân nhắc, trường hạ điểm chuẩn so với năm 2017. ĐH Tiền Giang xác định điểm chuẩn 13 là đủ đảm bảo năng lực học tập, trình độ nhận thức để sinh viên theo học.
PGS.TS Võ Ngọc Hà khẳng định việc hạ điểm chuẩn này “không đến nỗi hạ thấp chất lượng đào tạo”. Điểm đầu vào chỉ là một yếu tố, lấy 13 điểm hay không mới chỉ phản ánh một mặt. Chất lượng đầu ra phụ thuộc quá trình đào tạo và một số vấn đề khác.
ĐH Tiền Giang luôn tuân thủ và thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chất lượng giảng dạy, cũng như tiến hành đánh giá sinh viên. Hàng năm, do học theo tín chỉ, một số sinh viên kéo dài thời gian học tập thêm vài học phần so với thời gian 4 năm như quy định. Tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn không đạt 100% nhưng số sinh viên mỗi khóa trượt tốt nghiệp không lớn.
Ông Hà nói thêm trường đào tạo số lượng không lớn nhưng đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các nhà tuyển dụng. Thực tế, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của ĐH Tiền Giang đạt trên 80%. Năm ngoái, con số này lên đến 85%.
Năm nay, ĐH Tiền Giang tuyển 2.100 chỉ tiêu, trong đó, số lượng tuyển cho hệ đại học chính quy là 1.300, hệ cao đẳng 650 ngoài sư phạm và 150 sư phạm. Với mức điểm chuẩn 13, số lượng thí sinh trúng tuyển bằng chỉ tiêu đặt ra. Đến ngày 9/8, 60% thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học nhưng còn 10 ngày nữa mới biết kết quả cuối cùng.
Ông Hà thông tin thêm năm ngoái, tỷ lệ nhập học không như mong muốn. Năm nay, nếu không đủ, trường tuyển thêm nhưng điểm chuẩn không thấp hơn mức hiện tại.
Đại học vùng đang 'vét' thí sinh với mức điểm chuẩn quá thấp?
Nhiều trường chỉ lấy điểm trúng tuyển ở mức 13 hoặc 13,5, nghĩa là chỉ hơn 4 điểm/môn là đỗ đại học. Điều này sẽ ảnh hưởng chất lượng đào tạo sinh viên.
Trước đó, câu chuyện chỉ 13,5 điểm đỗ ngành Báo chí ở đại học vùng và 13 điểm trúng tuyển hàng loạt ngành học khác ở nhiều đại học ở địa phương một lần nữa dấy lên lo ngại về chất lượng đào tạo sinh viên.TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT - khẳng định không thể lấy lý do đề khó để biện minh cho việc lấy điểm chuẩn dưới 15. Ông Vinh giải thích đề khó tác động nhiều đến mức điểm trên 18. Khoảng điểm 4-5 mỗi môn không chịu ảnh hưởng nhiều vì điểm thi cũng được dùng để xét tốt nghiệp.
“Tôi không dám chắc đầu vào thấp thì đầu ra thấp nhưng xu hướng chung là nguyên liệu không tốt, sản phẩm khó lòng tốt”, ông Vinh nói.