Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

Bộ GD&ĐT: Chỉ 2% thí sinh đạt 27 điểm trở lên, không thể nói đề thi dễ

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, số thí sinh đạt trên 27 điểm (chưa tính điểm cộng) có 20.000 em, chiếm khoảng 2%. Điều này giống như lớp học có 50 học sinh, nhưng chỉ có 1 em đạt điểm 9-10. Do đó, không thể nói đề thi dễ.

Kỳ thi không chỉ để xét tốt nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị giao ban báo chí thường kỳ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, vừa qua, dư luận dấy lên ý kiến về việc đề thi tốt nghiệp THPT năm nay quá dễ, dẫn tới không có tính phân hóa; điểm thi cao, không phù hợp cho việc xét tuyển đại học.

Về vấn đề này, ông Sơn cho rằng, một kỳ thi để đạt được tốt nhất nhiều mục tiêu sẽ rất khó. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả này không chỉ sử dụng để xét tốt nghiệp mà còn là để đánh giá chất lượng dạy và học ở các địa phương, từ đó có sự đối sánh, giúp các nhà trường và học sinh có cơ sở để phần đấu.

“Tôi biết rằng, có nhiều ý kiến nói “Không cần thiết phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT khi tỉ lệ trượt chỉ chiếm 2 – 3%”. Nhưng thực tế, nếu không tổ chức kỳ thi này, tôi tin con số ấy không chỉ có 2 – 3%. Điều chúng ta mong chờ là 100% em đỗ tốt nghiệp chứ không phải 97 – 98% như hiện tại.

Việc này cũng tương tự như việc chúng ta nói, nếu chỉ có 1 người vượt đèn đỏ trong số 100 người, vậy cần phải có đèn đỏ hay cảnh sát giao thông để làm gì?”, ông Sơn lý giải.

Bộ GD&ĐT: Chỉ 2% thí sinh đạt 27 điểm trở lên, không thể nói đề thi dễ Ảnh 1
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn

Thứ trưởng cũng cho rằng, ngoài mục tiêu xét tốt nghiệp, kỳ thi này còn đánh giá quá trình dạy và học của các địa phương, từ đó sẽ có những điều chỉnh, đổi mới về chính sách để phù hợp với từng địa phương ấy.

Sau 12 năm học phổ thông, kết quả này còn là căn cứ để các trường xét tuyển đại học. “Tất nhiên vẫn có một số trường có sức cạnh tranh lớn sẽ tổ chức kỳ thi chuyên biệt hay dựa trên bài thi của những trung tâm khảo thí độc lập; tổ chức liên kết với nhau để lựa chọn những thí sinh có năng lực phù hợp với các ngành đào tạo của trường mình.

Nhưng thực tế cho thấy, vẫn có một phần không nhỏ các trường đại học chỉ căn cứ vào điểm học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào trường mình”, ông Sơn nói, đồng thời cho biết, từ năm 2020, một số trường đại học đã chuẩn bị sẵn sàng phương án để liên kết với nhau tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi kiểm tra tư duy,… Nhưng vì điều kiện dịch bệnh, các trường không thể tổ chức.

“Lúc này, việc có một kỳ thi tập trung như thi tốt nghiệp THPT sẽ rất tốt, bởi lẽ, nếu tổ chức kỳ thi riêng, không phải địa phương nào cũng có thể tham gia trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi và công bằng cho thí sinh”, ông Sơn nói.

Đề thi tốt nghiệp THPT: Cần nhìn khách quan

Cũng theo ông Sơn, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, số học sinh đạt từ 27 điểm trở lên (chưa tính điểm cộng) chỉ có 20.000 em, chiếm khoảng 2%.

“Điều này giống như một lớp học có 50 học sinh, nhưng chỉ có 1 em đạt điểm 9-10. Do đó, không thể nói đề thi dễ. Chúng ta cần phải nhìn một cách khách quan chứ không thể nhìn vào một vài trường hợp điểm cao nhưng không trúng tuyển mà đánh giá đề thi này dễ quá”.

Mới đây, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, số thí sinh đạt 27 điểm (cho tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào là 165 em. Có 3 em trong số này có tổng điểm trên 28 điểm.

Trong 165 em, có 114 em xét tuyển vào các trường công an, quân đội, nhưng có tới 97 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất. Số còn lại, hầu hết chỉ đăng ý 2 – 3 nguyện vọng.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, mặc dù Bộ GD&ĐT đã đưa ra mô hình để thí sinh có thể xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, nhưng các em vẫn chủ quan, chỉ đăng ký vào một trường duy nhất. Do đó, mới đây, Bộ GD&ĐT đã phải trao đổi với một số trường đại học lớn để xét tuyển bổ sung.

“Bình thường các trường này sẽ không xét tuyển bổ sung vì hầu hết đã tuyển đủ ngay từ đợt 1. Nhưng năm nay, chúng tôi vẫn phải trao đổi với các trường để tạo điều kiện cho các em có điểm cao nhưng thi trượt được xét tuyển bổ sung vào các ngành top của các trường top đầu. Bộ GD&ĐT đã cố gắng hết sức vì sự nghiệp toàn dân, toàn xã hội”.

Thứ trưởng cũng cho biết, trong một vài ngày tới, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn để các trường triển khai triển khai tuyển bổ sung những đối tượng này.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết VietNamNet

Nguồn bài viết
Được quan tâm

Tin mới nhất
HLV Kim Sang Sik chưa an tâm