Ngày 28/12, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cho biết đang điều tra vụ án "giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường đại học Đông Đô. Kết quả điều tra bước đầu xác định Trường đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh hệ chính quy - văn bằng 2 cho nhiều cá nhân không đúng quy định.
Để phục vụ công tác điều tra vụ án, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đề nghị các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo rà soát hồ sơ đã tiếp nhận của cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh, nếu có sử dụng bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh hệ chính quy - văn bằng 2 do Trường đại học Đông Đô cấp thì thông báo ngay bằng văn bản cho Cơ quan an ninh điều tra.
Riêng các cá nhân đã được Trường đại học Đông Đô cấp bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh hệ chính quy - văn bằng 2 liên hệ với Cơ quan an ninh điều tra để trình báo, làm việc và cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra.
Để đảm bảo thời hạn điều tra vụ án, Cơ quan an ninh điều tra đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu trước ngày 15-1-2021.
Thông tin liên hệ: Cơ quan an ninh điều tra (phòng 5), số 7 Nguyễn Đình Chiểu, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; điện thoại 0692342143 hoặc 0692342431.
Trước đó, gần cuối tháng 11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận đề nghị truy tố bị can Dương Văn Hòa (37 tuổi, cựu hiệu trưởng) và 9 bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ Trường đại học Đông Đô cùng về tội "mạo danh trong công tác".
Tuy nhiên, Viện KSND tối cao đã trả hồ sơ điều tra bổ sung 6 nội dung, trong đó có yêu cầu làm rõ danh sách người được Trường đại học Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh không đúng quy định.
Theo VKS, danh sách thu tại Trường đại học Đông Đô có 626 người được cấp văn bằng 2 tiếng Anh, trong đó Cơ quan an ninh điều tra đã làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo.
Tuy nhiên, kết luận điều tra mới chỉ nêu chung số liệu các trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo từng lần cấp và chưa rõ danh sách được cấp bằng không qua đào tạo từng lần.
Vì vậy, cần xác định rõ những trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo của từng lần cấp bằng giả và từng bị can phải chịu trách nhiệm về việc làm giả đối với các trường hợp cụ thể.
VKS yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp được cấp bằng không đúng quy định. Cơ quan điều tra mới thu giữ 67 văn bằng gốc, nên VKS yêu cầu tiếp tục thu hồi 126 văn bằng còn lại.
Đối với 60 trường hợp sử dụng bằng giả hiện mới xác định được 25 người (22 người rút hồ sơ dừng chương trình học, 3 trường hợp xin thôi học thạc sĩ, rút kết quả thi nâng ngạch thanh tra viên).
35 trường hợp còn lại, VKS yêu cầu xác định rõ đã sử dụng bằng được cấp không đúng quy định như thế nào; đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý hậu quả 60 trường hợp sử dụng bằng được cấp không đúng quy định để thi tuyển công chức, bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ.
"Đề nghị xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức khi sử dụng bằng giả. Các đơn vị thực hiện và thông báo kết quả xử lý bằng văn bản trước khi kết thúc điều tra bổ sung", quyết định trả hồ sơ nêu.