Ngày 11/12, UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã ban hành kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Việc học của học sinh sẽ được tổ chức thí điểm từng giai đoạn ở từng khu vực cấp độ dịch tương đối an toàn. Việc này nhằm từng bước thích ứng, tạo điều kiện cho người lao động đưa con đến trường để an tâm vào nhà máy sản xuất, từ đó phát triển kinh tế xã hội.
Về nguyên tắc tổ chức, học sinh các trường THCS, THPT, TTGDTX hoạt động theo cấp độ dịch của tỉnh. Học sinh các trường mầm non, mẫu giáo tiểu học và các cơ sở ngoài giờ, trung tâm ngoại ngữ tin học hoạt động theo cấp độ dịch của huyện/thị xã/thành phố. Người đến trường tham gia dạy và học trực tiếp không thuộc diện phải cách ly phòng dịch Covid-19.
Theo kế hoạch, từ ngày 13/12, các trường mầm non, mẫu giáo sẽ nhận giữ trẻ tại trường. Trường tiểu học nhận học sinh lớp 1, lớp 2. Đối tượng là trẻ và học sinh mà cha mẹ có nhu cầu bức thiết cần gửi con.
Giai đoạn 2 từ ngày 27/12-28/1/2022 sẽ mở rộng nhận đối tượng, chỉ cần cha mẹ tự nguyện đồng ý đăng ký thì trẻ mầm non, mẫu giáo và tiểu học có thể đến trường.
Sau 2 giai đoạn thí điểm trên, các trường sẽ rút kinh nghiệm và cấp Sở sẽ căn cứ vào kết quả để phối hợp xem xét quyết định mở rộng đối tượng đến trường học trực tiếp.
Dự kiến 7/2/2022 trẻ mầm non, mẫu giáo và tiểu học trên toàn tỉnh Bình Dương sẽ đến trường học trực tiếp.
Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương đang cùng ngành y tế và các địa phương chuẩn bị vệ sinh trường lớp, phòng dịch và điều kiện an toàn để đón trẻ đến học trực tiếp.
Theo ghi nhận, hiện nay mặc dù đã phải vào nhà máy sản xuất nhưng phụ huynh là công nhân lao động vẫn lo lắng chỗ gửi con. Trẻ mầm non và mẫu giáo thì gửi ở những điểm giữ trẻ tự phát, chật chội, thiếu an toàn. Học sinh thì để các cháu tự học ở nhà trọ, không được trông nom và bảo vệ. Nhiều người phải đưa con về quê gửi ông bà chăm sóc...