Trường học là nơi những bậc phụ huynh gửi con em mình đến để học tập, rèn luyện mang lại tri thức, tương lai rộng mở hơn. Những trường học dạy văn hoá, âm nhạc, năng khiếu… đã không còn xa lạ với nhiều người. Bên cạnh đó, có không ít những nơi học tập đặc biệt như khoá học hẹn hò cho sinh viên ở Trung Quốc. Mới đây, một trường học khác ở Trung Quốc gây bất ngờ không kém khi môn học chính giảng dạy là đào tạo những cậu bé ẻo lả, yếu ớt trở thành những người “đàn ông đích thực”.
Trường học này do thầy Tang Haiyan lập ra và quản lý, nằm ở trên ngọn đồi phía tây Bắc Kinh, hiện đang có hơn 2000 nam sinh theo học. Mục đích của trường học này là đào tạo các nam sinh thành đàn ông thực thụ với những tiêu chí: phải chơi thể thao và chinh phục các thử thách. Các cậu bé đến đây được dạy chơi golf, chèo thuyền, bóng bầu dục, bóng đá, những môn thể thao cần đến sức mạnh và tinh thần đồng đội. Đặc biệt, trường học không bao giờ nhận dạy những kẻ nhát gan.
Tôn chỉ của trường là “đàn ông đích thực” phải có lòng dũng cảm, hào hiệp, hiểu được khái niệm “vinh dự và nhục nhã”. Những nam sinh vi phạm quy định như xô đẩy bạn, nổi cáu hay nói hỗn sẽ bị trừ điểm, hạ bậc hạnh kiểm từ “phượng hoàng” xuống “trứng thối”.
“Tôi là đàn ông thực thụ! Trụ cột gia đình và gánh vác trách nhiệm xã hội trong tương lai”, đó là khẩu hiệu mà tất cả các cậu bé liên tục hô to, tăng cường sự “nam tính” của mình.
- “Ai tốt nhất?”, thầy Tang hô.
- “Tôi tốt nhất!”, các nam sinh trả lòi.
- “Ai khỏe nhất?”
- “Tôi khỏe nhất!”
- “Các cậu là ai?”
- “Đàn ông thực thụ!”.
Các cậu bé theo học tại đây luôn hô to khẩu hiệu này để nhắc nhở bản thân.
Khi học sinh khóc, thầy giáo hay bạn bè sẽ hoàn toàn không an ủi mà chỉ động viên em đó hãy mạnh mẽ lên.
Trường học này được lập nên trong bối cảnh xã hội Trung Quốc tranh cãi về sự nam tính, những mối lo về độ hiệu quả của quân đội, sự tôn trọng văn hoá, vai trò truyền thống của người đàn ông. Ngoài ra những nam thần tượng ca nhạc trang điểm theo vẻ đẹp lưỡng tính, các bà mẹ quá bao bọc con cái và hầu hết giáo viên là nữ có thể sẽ biến các nam sinh thành đứa trẻ mít ướt và yếu ớt.
Đặc biệt, học phí của khoá học này lên tới 2.000 USD (khoảng 46 triệu đồng). Nhiều phụ huynh đăng kí cho con mình theo học bởi tin vào tôn chỉ và tính hiệu quả của khoá học. Sau một thời gian học tập, rèn luyện, các bậc phụ huynh cũng cảm thấy sự thay đổi tích cực hơn khi các cậu bé không còn khóc nhè, khả năng chịu đựng đã cải thiện và biết cách đối mặt với bực bội hay thất bại.
Tuy nhiên, cũng có không ít người cho rằng những ngôi trường như thế này sẽ chẳng mang lại được kết quả gì cả. Một người đàn ông thích trang điểm tên Wang Chenpeng tại Trung Quốc đã kể rằng mẹ của cậu đã từng đốt hết búp bê vì nghĩ rằng nó quá nữ tính. Sau đó, người này đã công khai mình là người đồng tính. Wang Chenpeng cho rằng: “Những đứa trẻ này có thể cố gắng tạo vẻ ngoài để đáp ứng yêu cầu của bố mẹ và những ngôi trường này, nhưng bản chất chúng sẽ vẫn như vậy.”