Zing.vn trích dịch bài viết trên South China Morning Post nói về nạn bạo lực học đường tại xứ chùa Vàng xuất phát từ văn hóa băng đảng sinh viên đến truyền thống ám ảnh thứ bậc, tuổi tác “Sotus”.
Kollawach Doklumjiak bị một băng đảng sinh viên tấn công ngay trên đường phố Bangkok giữa ban ngày.
Kollawach đang học tại trường kỹ thuật và theo những thanh niên theo học trường khác, anh không nên có mặt ở “địa bàn” của họ.
“Chúng muốn đâm chết tôi”, cậu sinh viên ở độ tuổi đôi mươi với mái tóc bù xù và cách nói chuyện nhỏ nhẹ, kể lại.
Kollawach đã trốn thoát bằng cách chui vào cống nước, sau đó, lê lết cơ thể bốc mùi vào một ngôi chùa gần đó.
“Ngay cả đồn cảnh sát cũng không an toàn”, 9X nói.
Theo Kollawach, các tu viện là một trong số ít nhưng nơi có thể trú ẩn giữa các cuộc giao tranh thường xuyên xảy ra tại Bangkok của các băng đảng thanh thiếu niên.
Những nhóm này có thể dùng dao, rựa, súng ngắn và cả lựu đạn tự chế. Không ít thanh niên thiệt mạng giữa các cuộc hỗn chiến này.
Văn hóa băng đảng học đường
Peng, một cựu sinh viên trường dạy nghề, người yêu cầu giấu tên, nói rằng anh từng bắn một học sinh của trường đối thủ ở Thonburi, khu dân cư phía tây Bangkok.
Hai trường vốn hiềm khích nhau vì tranh giành địa bàn nên ngay khi nhận ra “con mồi” đeo huy hiệu trường kia đi trên phố, Peng đã rút khẩu súng ngắn thủ sẵn, không hề báo trước mà bắn ba phát liên tiếp.
“Tôi đánh anh ta và sau đó bỏ chạy. Nó giống như Alien và Predator (hai nhân vật quái thú trong một bộ phim khoa học viễn tưởng), chúng tôi truy đuổi họ và ngược lại họ cũng săn lùng chúng tôi”, Peng nói với nét mặt đầy tự hào.
Những tình huống như thế này đã quá quen thuộc với Kollawach.
Một buổi tối sau giờ học, khi anh đang đứng với một nhóm bạn cùng lớp, hai thanh niên lạ mặt phóng xe máy ngang qua. Một trong số họ rút súng và bóp cò. Kollawach thoát chết trong gang tấc.
Nhưng người bạn của anh kém may mắn hơn: bị bắn vào đầu và chấn thương sọ não.
“Học sinh khác thường bảo bạn chiến đấu cho trường của mình. Một khi bạn thấm nhuần suy nghĩ này, bạn thậm chí chiến đấu bằng cả sinh mạng”, nam sinh nói.
Kollawach, người lớn lên trong khu ổ chuột nội thành quen với các chất gây nghiện, thường xuyên chịu đựng bạo hành, lạm dụng, đã trở thành một phần của văn hóa băng đảng học đường để tự vệ.
Nếu cần, anh không né tránh đánh nhau.
Kollawach từng gặp rắc rối vì sở hữu vũ khí bất hợp pháp và các cáo buộc phạm tội khác. Nam sinh nhiều lần chuyển trường vì sợ bị trả thù và cuối cùng miễn cưỡng trở lại một trong những ngôi trường cũ, nơi 9X từng bị đuổi vì mang dao đi học.
“Không chỉ dao, cũng rất dễ dàng để có được súng trong trường học”, Kollawach nói.
Nhiều loại súng thậm chí được chế tạo bằng máy móc trong xưởng kỹ thuật của trường. Chúng thường được ngụy trang dưới dạng bút và có thể gây chết người ở cự ly gần.
“Trường học không cần những kẻ yếu đuối”
Theo ông Rattapoom Kotchapong, một giáo viên ở Bangkok, hầu hết tội phạm học đường Thái Lan là những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn. Gia nhập các băng đảng của trường cho họ cảm giác mình thực sự có ích và thuộc về một điều gì đó.
Sự phổ biến của súng trong trường học cũng phản ánh bạo lực súng đạn đang lan rộng tại xứ Chùa Vàng - nơi có tỷ lệ giết người liên quan đến súng cao nhất châu Á.
Tuy nhiên, súng hay bất kỳ một loại vũ khí nào không phải là vấn đề duy nhất. Bạo lực học đường ở Thái Lan giờ đây không chỉ giới hạn ở các trường dạy nghề mà dần phổ biến ở trường trung học, cao đẳng, đại học.
Rub nong (chào đón những người trẻ) là hoạt động kéo dài hàng tháng mà hầu hết tân sinh viên Thái Lan sẽ phải trải qua khi bước vào trường học mới.
Với mục đích ban đầu là dạy kỷ luật, dựa trên tinh thần “kính trọng bề trên” Sotus (viết tắt của: Seniority, Order, Tradition, Unity và Spirit) nhưng hoạt động này ngày một biến tướng, trở thành bạo hành và lạm dụng.
“Sotus cho phép người lớp trên hành động như những kẻ bắt nạt”, Keerati Panmanee, 29 tuổi, người khởi động chiến dịch truyền thông chống lại văn hóa Sotus trong các trường học, nói.
Trang Facebook của nhóm Keerati hiện có gần 200.000 người theo dõi đã ghi nhận nhiều trường hợp sinh viên bị bạo hành, quấy rối bởi những tiền bối trong trường học khi tham gia rub nong.
Sinh viên năm nhất phải hát quốc ca trong nhiều giờ, tham gia các hoạt động thể chất mệt mỏi và quan trọng phải biết làm vừa lòng các anh chị khóa trên.
“Chúng tôi không thích nhưng phải chịu đựng. Họ luôn nói rằng trường học không phải nơi dành cho kẻ yếu đuối và nếu không làm được thì hãy bỏ học”, một tân sinh viên kể.
Sinh viên có thể từ chối các hoạt động đó. Nhưng họ phải chuẩn bị tâm lý sẽ bị coi thường và tẩy chay.
Peerada Nuruk (21 tuổi), sinh viên năm ba của một trường đại học ở tỉnh Chonas, đã trải qua tình cảnh này.
“Sau khi tôi từ chối tham gia một số hoạt động khi còn là sinh viên năm nhất, các bạn cùng lớp không nói chuyện với tôi nữa”, Peerada nói.
Còn bằng kinh nghiệm của mình, Keerati Panmanee nói rằng với Sotus các giáo viên thường “mắt nhắm mắt mở”, làm ngơ trong khi những sinh viên khóa trên háo hức nghĩ rằng họ đang dạy cho đàn em sự tôn trọng và khiêm tốn.
“Tôi cũng từng nghĩ như vậy. Nhưng thực chất đó là cách nghĩ sai lầm được hình thành trong một xã hội bị ám ảnh về thứ bậc và thâm niên”, Keerati giải thích.