Với nhiều học sinh, môn Văn là một môn học thú vị nhưng cũng nhiều khó khăn. Chính vì vậy, không ít cô cậu học trò lo ngay ngáy mỗi lần đến tiết kiểm tra Văn. Và nếu gặp giáo viên dạy Văn kỹ tính, nỗi lo lại được nhân lên gấp nhiều lần.
Cư dân mạng từng được phen xôn xao trước một bài tập làm văn ở khối lớp 11. Trong đó, sự khắt khe và khó tính trong phong cách chấm bài của giáo viên dạy Văn đã khiến dân tình phải chú ý và bàn luận.
Cụ thể, em học sinh nhận được đề bài: "Trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam ấn tượng của nhân vật Liên về Hà Nội có nhiều nét nổi bật nào? Hình ảnh Hà Nội có ý nghĩa gì đối với đời sống tâm hồn Liên?".
Bên dưới phần bài làm, em học sinh trình bày ngắn gọn: "Trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" - Thạch Lam, ấn tượng của nhân vật Liên về Hà Nội có những nét nổi bật: Liên đã không ngủ và thức suốt đêm chỉ để chờ chuyến tàu từ Hà Nội về, nhìn đoàn tàu sáng rực và những hành khách trên tàu, Liên lại nhớ một Hà Nội đông đúc nhộn nhịp".
Với bài văn không làm đúng trọng tâm câu hỏi, không có cảm xúc và trình bày rời rạc, em học sinh đã khiến giáo viên dạy Văn không hài lòng. Bài văn này được chấm 2 điểm, kèm theo đó là lời phê khá gay gắt: "Lời học Văn, khó thành người tử tế".
Ngay sau khi hình ảnh về bài tập làm văn này xuất hiện trên mạng xã hội, cư dân mạng lập tức chú ý đến dòng lời phê của giáo viên. Đồng thời, cư dân mạng nổ ra cuộc tranh cãi về ý tứ trong lời phê của giáo viên này.
Theo đó, có ý kiến cho rằng, giáo viên đã quá khắt khe và nặng nề với học sinh của mình. Bởi lẽ, chỉ qua một bài tập làm văn thì không thể đánh giá được cả quá trình trưởng thành của em học sinh này. Hơn nữa, việc đánh giá với lời lẽ nặng nề như vậy sẽ khiến em học sinh thêm tự ti và chán nản với việc học môn Văn. Do đó, thầy giáo chỉ nên viết lời phê có chừng mực, đủ để em học sinh tiếp thu một cách thiện chí.
Trong khi đó, một bộ phận cư dân mạng khác lại đồng ý với lời phê này của giáo viên. Theo nhóm ý kiến này, chủ nhân của bài làm chưa thật sự nghiêm túc và cố gắng hết mình trong giờ kiểm tra. Thầy giáo phải viết lời phê gay gắt như vậy để bạn học sinh rút kinh nghiệm và chăm chỉ hơn trong học tập để không tái phạm.
Ngoài ra, cũng có một số ý kiến nghi ngờ rằng, bài văn và lời phê này chỉ là sản phẩm để câu like, câu view trên mạng xã hội mà thôi.