Phải nói rằng, muốn đọc các bài văn tả thực thì nên tìm đến các em học sinh bậc tiểu học. Ở những bài văn này, các em không chỉ miêu tả chân thực những gì nhìn thấy mà còn có những lời lẽ ngây ngô nên luôn khiến giáo viên và phụ huynh được phen cười ngất mỗi lần đọc bài.
Trước đó, trên mạng xã hội từng xuất hiện hình ảnh về một bài văn của em học sinh lớp 5 khi tả về bố. Ngay từ câu mở màn, em học sinh đã khiến mọi người phải "cười bò" với câu: "Nhà em có nuôi một ông bố tên là Đào D.T".
Không những vậy, ở phần thân bài, em học sinh này tiếp tục khiến dân tình được phen cười ngất với loạt chi tiết như sau: "Hằng ngày bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nhà nằm ườn ra đấy. Đến bà là người to nhất vẫn phải làm việc, còn bố là người duy nhất không làm gì. Lúc ăn cơm gọi mấy cũng chưa lên, còn bảo đợi tao tí. Lúc ăn cơm xong cả gia đình cùng dọn, bố chả dọn rồi lấy điện thoại chơi game. Em bé thế còn phải đút xoài cho bố, từ nay em không làm ô sin nữa.
Đáng chú ý, ở phần kết bài, em học sinh lại bày tỏ tình cảm với bố một cách khá chân thực và hài hước: "Em rất yêu bố vừa vừa chứ không yêu lắm".
Vì cách miêu tả khá ngô nghê nên cô giáo chỉ chấm cho em 3 điểm mà thôi. Kèm theo đó là lời phê: "Xem lại cách dùng từ cho phù hợp".
Tuy nhiên, dân mạng lại tỏ ra rất thích thú với bài văn của em học sinh tiểu học này. Bởi qua bài văn này có thể thấy, em đã miêu tả một cách rất chân thực bằng những gì mà em quan sát thấy hằng ngày. Với lứa tuổi tiểu học, nhiều người cho rằng nên khuyến khích các em được viết ra những gì các em suy nghĩ, các em quan sát thấy được. Vì như vậy, giáo viên và phụ huynh mới hiểu thêm về các em, qua đó sẽ có cách giúp các em ngày càng hoàn thiện.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng thắc mắc rằng, liệu ông bố sau khi đọc bài văn mà con tả về mình, bố sẽ có suy nghĩ gì và có thay đổi những thói quen tật xấu của mình hay không?
Có thể thấy, lối sinh hoạt hằng ngày, lời nói và cách ứng xử hằng ngày của bố mẹ, ông bà sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con trẻ. Các con đang độ tuổi quan sát và thích bắt chước, nếu bố mẹ và ông bà cư xử thiếu chuẩn mực, điều này sẽ làm ảnh hưởng xấu đến các con. Do đó, để con cái được phát triển toàn diện, bố mẹ và ông bà phải chú ý đến từng hành động, lời ăn tiếng nói sao cho phù hợp, tránh bị "bóc phốt" như ông bố trong bài văn này.