Văn miêu tả là một trong những bài học đầu tiên trong môn Tiếng Việt - nền tảng của môn học Ngữ Văn sau này, thế nên phát huy được hết sự tưởng tượng của các bé trong khoảng thời gian này là một điều hết sức quan trọng, quyết định đến tư duy phát triển trong tương lai. Thế nên, những chi tiết “ấn tượng”, được miêu tả thực trong những bài tập làm văn của các bé cấp tiểu học là một điều thường xuyên bắt gặp. Và có những câu văn mà chỉ cần một lần xem qua là có thể khiến chúng ta “không thể nhịn được cười”.
Mới đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một bức ảnh ghi lại bài tập làm văn của một học sinh lớp 5. Đáng nói đây là một bài văn miêu tả rất chân thực, từng hình ảnh của cô giáo được học sinh này ghi lại rất chi tiết bằng những câu từ vô cùng đáng yêu, điều đó giúp cho cộng đồng mạng hoàn toàn có thể tưởng tượng ra được hình ảnh của “cô giáo may mắn” này.
Nguyên văn của bài viết như sau: “Từ đầu năm học lớp 5, em đã gặp rất nhiều cô giáo, cô giáo đã từng dạy em lớp 5 là cô Nga. Cô Nga có khuôn mặt hình tròn, đôi mắt long lanh tròn như hai hột vải, da trắng như tờ giấy. Mái tóc đen đen óng và có mái tóc rất đẹp. Mặt cô hơi béo nhưng rất xinh. Cô Nga như người mẹ của em. Mỗi lần cô ấy cười rất vui. Cô ấy rất hiền và cô ấy xào rau tay đảo rất đều, ai làm cô ấy tức cô ấy rất ác. Cô Nga có lúc buồn có lúc vui em rất thích cô ấy. Em rất yêu quý cô Nga, cô Nga như người mẹ của em”.
Ngay sau khi được đăng tải, hình ảnh thu về hàng chục ngàn lượng tương tác và nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng. Đa số người xem đều tỏ ra thích thú với trí tưởng tượng phong phú của học sinh này. Bạn Y.T chia sẻ: “Bài viết đáng yêu, sự ngây thơ trong suy nghĩ của các bé đã thể hiện tất cả trong bài viết này”.
Bạn T.M, một giáo viên tiểu học cũng có chung suy nghĩ: “Mình cũng là cô giáo dạy cấp 1 và rất thích chấm những bài văn của các bé, mặc dù câu chữ đôi khi còn chưa được tốt nhưng cách các bé viết khiến cho mình cảm thấy rất phấn khích khi chấm bài”.
Có thể thấy, mặc dù đây là những bài tập làm văn không được hay, và câu chữ đôi khi cũng không được suôn sẻ, thế nhưng những bài văn này thể hiện đúng những gì mà các bé nhìn thấy được. Không nhân hóa, không “nói quá”, không nói giảm nói tránh,… tất cả đều thể hiện đúng sự ngây thơ, trong sáng trong tâm hồn và lời nói của các bé ở độ tuổi này.