Với mục tiêu là sự phát triển tư duy nhanh nhạy, linh hoạt cho trẻ nhỏ, vài năm trở lại đây, những bài Toán học không chỉ đơn thuần xoay quanh những phép tính cơ bản nữa mà còn đan xen câu hỏi lắt léo. Đôi khi những bài Toán này tưởng chừng đơn giản nhưng khiến nhiều học sinh dễ mắc sai lầm, thậm chí ngay cả phụ huynh cũng hoang mang không kém.
Mới đây, một phụ huynh chia sẻ trên mạng xã hội về việc con mình không đạt được điểm cao trong kỳ thi do làm sai bài toán. Đáng chú ý, giáo viên của con còn cho biết, trong số hơn 40 học sinh, chỉ có 1 em đạt điểm tuyệt đối trong bài kiểm tra này.
Theo đó, đề bài đưa ra câu hỏi: “Trong lớp có 11 ngọn đèn, và 4 ngọn đèn bị tắt, trong lớp còn lại bao nhiêu ngọn đèn?”.
Đứa trẻ viết đáp án là: “11 – 4 = 7 (đèn)”, tuy nhiên lại bị giáo viên gạch chéo.
Vị phụ huynh than phiền, dù là cử nhân nhưng không thể nghĩ ra đáp án khác cho bài Toán này. Ngay cả nhiều phụ huynh khác cũng cảm thấy vô cùng khó hiểu.
Đến khi giáo viên đưa ra đáp án, tất cả mới giật mình “ngã ngửa”:
“Các em xem kỹ câu hỏi nhé. Câu này hỏi còn bao nhiêu đèn chứ không phải có bao nhiêu đèn còn sáng nên đáp án đúng là 11. Đơn giản vậy thôi. Đây là kỳ thi học sinh giỏi và câu hỏi chủ yếu là kiểm tra khả năng tư duy và khả năng thích ứng của trẻ".
Trước câu hỏi này, các phụ huynh cũng gật gù chấp nhận lời giải thích của cô giáo. Tuy nhiên, một số người khác còn cho rằng đề bài này chưa đủ chặt chẽ bởi đây là câu hỏi số học. Nếu chỉ ra rằng đây là câu hỏi ứng dụng tư duy thì trẻ sẽ linh hoạt hơn và không dễ mắc sai lầm như vậy.
Trước đó, những bài Toán tư duy tương tự như trên đã từng khiến phụ huynh “kêu trời” trên mạng xã hội. Điều này làm nảy ra tranh cãi: các câu hỏi này sẽ khiến trẻ thông minh, nhạy bén hơn, nhưng ngược lại, nó cũng có thể khiến các con đánh mất đi sự tự tin khi liên tục mắc sai lầm ở các dạng bài Toán mới mẻ.