Những kết cục đau lòng từ áp lực học tập và kỳ vọng quá lớn từ phía phụ huynh
Theo Star News đưa tin, Li là học sinh THPT của trường chuyên trọng điểm ở tỉnh Nam Kinh (Trung Quốc). Bạn cùng lớp cho biết, khoảng 3 năm trước, Li từng tâm sự về việc mẹ mình liên tục sử dụng những biện pháp giáo dục cực đoan, bắt ép nam sinh học hành quá mức. Tuy nhiên, dù tâm sự rất nhiều nhưng những vấn đề này đã bị bà mẹ phớt lờ.
Đỉnh điểm, ngày 12/11, Li trở về nhà lúc 10h tối sau khi trải qua ca học chính và ca học thêm triền miên. Hai mẹ con đã xảy ra tranh cãi về chuyện học, và trong lúc nóng giận, Li đã cầm dao đâm mẹ mình.
Gây án xong, Li thay quần áo, dọn dẹp hiện trường và đến nhà bạn cùng lớp ngủ qua đêm.
Sáng ngày 13/11, Li đến thú nhận tội trạng với giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng, đồng thời giao nộp điện thoại, đến Sở cảnh sát đầu thú. Khi cảnh sát đến hiện trường, mẹ của Li đã tử vong từ đêm hôm qua.
Trong mắt bạn học cùng lớp, Li là học trò cư xử lịch thiệp, ngoan ngoãn, nghe lời cô giáo và hòa đồng với bạn bè. Tuy nhiên theo GVCN, trước mặt bạn bè, Li là cậu học trò khó kiềm chế cảm xúc.
Theo lời khai của Li, chính mẹ là người có vấn đề về cách giáo dục con cái. Tối hôm 12/11, mẹ Li đã cầm dao đe dọa cậu con trai, và để tự vệ, Li đã rút dao đâm chết mẹ. Sau đó, cậu ta trốn sang nhà bạn để chạy trốn sự truy đuổi của mẹ.
"Bà ấy sống ở quê, cả hai vợ chồng đều là dân trí thức. Họ biết rằng chỉ học hành mới giúp tương lai tiến lên phía trước nên có chút khắt khe với con trai" - Phụ huynh bạn cùng lớp Li tâm sự thêm.
Một câu chuyện đau lòng khác xảy ra tại gia đình cậu bé tiểu học ở Trung Quốc có tên Leilei (8 tuổi) cũng xuất phát từ những áp lực học tập, từ những kỳ vọng quá mức từ phía cha mẹ.
Theo đó, mỗi ngày cậu bé đều phải "vật lộn" với rất nhiều bài tập từ trên lớp cho đến khi về nhà, thậm chí những ngày cuối tuần, Leilei cũng không có thời gian nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, mẹ của em nghĩ như thế là vẫn chưa đủ, em cần học thêm nhiều thứ khác để trau dồi. Không chỉ đăng ký lớp học thêm các môn học chính của con, mẹ của Leilei còn tìm đến các lớp năng khiếu, kỹ năng để mong con được phát triển toàn diện.
Cậu bé không hề hứng thú với việc này nhưng lại không dám phản kháng mẹ nên đành cắn răng tham gia các lớp học từ sáng sớm đến tận tối mịt.
Một hôm, Leilei tan lớp học vào lúc 8h tối và về nhà, nhưng còn rất nhiều bài tập về nhà mà thầy giáo giao cậu bé chưa làm xong thế nên em đã vội vàng ăn tối rồi ngồi ngay vào bàn học. Cậu bé dành ra 1 tiếng để làm bài trên lớp.
Đến khoảng 9h30, những tưởng Leilei sẽ được lên giường đánh một giấc ngon lành sau ngày dài mệt mỏi thì mẹ cậu lấy giấy kiểm tra và sách bài tập đã mua cho con rồi yêu cầu cậu bé làm thêm bài tập mà mình yêu cầu.
Chính vì sự nghiêm khắc của mẹ mà những giấc ngủ quá khuya đã trở thành thói quen của Leilei. Cậu cố gắng hoàn thành những gì mẹ giao trong cơn buồn ngủ tột độ. lúc này đồng hồ đã điểm hơn 11 giờ đêm. Tiếp tục, người mẹ này lại chuẩn bị thêm bài tập để đưa con trai của mình làm, cậu bé không dám từ chối, chỉ xin mẹ chợp mắt 5 phút thôi.
Được sự đồng ý của mẹ, Leilei gục xuống bàn để tranh thủ thời gian ít ỏi nghỉ ngơi. Nhưng mãi không thấy con tỉnh dậy, bà liền gọi con và người mẹ này tá hỏa vì con đã bất tỉnh.
Khi đưa vào bệnh viện, bác sĩ cho biết tim của cậu bé đã ngừng đập trước đó. Chẩn đoán ban đầu, cậu bé tử vong do thiếu ngủ kéo dài và căng thẳng tâm lý quá mức gây ra tình trạng suy tim.
Mọi sự đã quá muộn màng, mẹ Leilei lúc này không biết làm gì ngoài việc khóc lóc và trách cứ bản thân vì đã ép con học quá mức. Chính những áp lực học hành và những kỳ vọng quá lớn lao của người lớn vào con trẻ đã vô tình hại chết trẻ.
Thay vì kỳ vọng quá lớn, cha mẹ nên đồng hành cùng con
Dẫu biết rằng, cha mẹ có quan tâm thì mới kỳ vọng ở con cái, có mong muốn con đạt được những điều tốt đẹp trong cuộc sống thì mới thúc ép học hành. Thậm chí, có nhiều bậc phụ huynh còn gửi gắm những mơ ước, những điều mà bản thân mình chưa thực hiện được vào những kỳ vọng với con cái.
Tuy nhiên, kỳ vọng của cha mẹ vô hình chung cũng tạo áp lực cho con cái. Chính sự mong mỏi quá lớn ấy đã gián tiếp gây khó khăn cho những đứa trẻ mình hết mực yêu thương. Họ vẫn không ngừng áp đặt cho con những mục tiêu lớn lao, không phù hợp và khiến cho con mình khổ sở vì điều đó.
Nguy hiểm ở chỗ, nếu tình trạng này kéo dài, trẻ sẽ dễ gặp phải những vấn đề tâm lý và có những hành xử tiêu cực.
Thay vì đứng ngoài và kỳ vọng, cha mẹ hãy đồng hành cùng con không chỉ trong cuộc sống hàng ngày mà đồng hành cả trong học tập.
Bên cạnh đó, bản thân mỗi phụ huynh phải tự mình phá bỏ những quan niệm về thành tích, về cách giáo dục áp đặt, khắt khe tạo để không tạo khoảng cách giữa cha mẹ và con cái.
Từ đó, quan sát sức học của con mà kỳ vọng, không nên ép buộc con học hành quá sức. Để rồi, thần đồng đâu chưa thấy, nhưng khả năng trẻ bị rối loạn tâm lý, mắc các bệnh lý về thần kinh khi học tập quá sức là rất lớn. Cha mẹ hãy cho con trẻ có một tuổi thơ đúng nghĩa, học tập, vui chơi, thư giãn hợp lý. Đừng ép con phải thành thần đồng bằng mọi giá!
(Nguồn tham khảo: QQ, Sina)