Theo Phụ nữ Online thông tin, hiệu trưởng trường Đại học Du lịch Jeju đã tự ý di chuyển chỗ ở của các sinh viên Việt Nam, sử dụng 200 triệu won (khoảng 3,8 tỷ đồng) ngân sách của nhà trường cho việc di dời ký túc xá.
Đài KBS đưa tin, 70 sinh viên Việt Nam đã bị buộc rời khỏi ký túc xá dù họ đã đóng học phí 3 triệu won (khoảng 57 triệu đồng) cho mỗi học kỳ (6 tháng). Trong hợp đồng giữa sinh viên và nhà trường bao gồm học phí kèm điều kiện được sinh sống tại ký túc xá của trường. Thế nhưng, chưa đầy 1 tháng các sinh viên bị buộc chuyển đến khu resort (khu nghỉ mát) tồi tàn thuộc sở hữu riêng của hiệu trưởng.
Giải đáp về nguyên do, phía nhà trường cho biết: năm 2017 chỉ có 4 du học sinh Việt Nam nhưng nó đã lên con số 184 sinh viên vào năm 2018. Số lượng sinh viên nước ngoài tăng đột biến khiến nhà trường lúng túng trong việc sắp xếp chỗ ở. Ngoài ra, họ cho biết cũng đã mua tủ lạnh, nhà bếp, dụng cụ đồ ăn, lắp đặt hệ thống khóa cửa cho các sinh viên.
Tuy nhiên, những du học sinh Việt Nam khẳng định không được thông báo về việc có thể bị di dời ký túc xá khi nhập học. Bên cạnh đó, những tài liệu hướng dẫn của trường toàn bằng tiếng Hàn khiến các sinh viên không hiểu được. Với du học sinh Việt Nam vừa đặt chân đến Hàn Quốc mà còn bị đẩy đến ở resort bất tiện về mặt đi lại, không được vệ sinh đầy đủ thì lại càng khó khăn hơn.
Theo trang thông tin Hàn Quốc, khu resort mà du học sinh Việt Nam bị đẩy đến nằm ở thôn ở Sanggari, Aewol-eup, Jeju, Hàn Quốc, cách trường 8,5 km với 2 giờ đồng hồ đi bộ và 10 phút lái xe.
Khu resort này cũng không có đầy đủ tiện ích để phục vụ cho sinh hoạt chung. Các du học sinh Việt chia sẻ: “Chúng tôi phải nấu ăn trong nhà bếp chung, phải vác bao gạo nặng gần 20 kg lên dốc. Dù phản ảnh với người quản lý nhiều lần cùng yêu cầu chuyển ký túc xá nhưng không được sự chấp nhận”.
Hiệu trưởng trường Đại học Du lịch Jeju liên tục từ chối gặp gỡ và trao đổi phóng viên KBS, ông chỉ trả lời bằng văn bản và nhấn mạnh: “trường đại học gặp khó trong việc sắp xếp chỗ ở và tôi đã cho thuê khu nghỉ mát một cách vội vàng nhưng không có mục đích thu lợi cá nhân”.
Hiện, chỉ còn khoảng một nửa du học sinh Việt vẫn đang tiếp tục theo học. Những du học sinh khác một phần quay trở về nước hoặc chuyển trường, một số rời khỏi Jeju bất hợp pháp.