Mới đây nhất, trong một nhóm liên quan đến giáo dục với hơn 146 nghìn thành viên trên mạng xã hội Facebook, xuất hiện thông tin cho rằng môn Ngữ văn của kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ có 5 tác phẩm văn học không ra trong kỳ thi này. Thông tin lập tức nhận được sự quan tâm và chia sẻ của rất nhiều người.
Theo nội dung được đăng tải trên mạng xã hội, 5 tác phẩm sẽ không ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2020 vì nhiều lý do. Đó là “Ai đã đặt tên cho dòng sông” (Hoàng Phủ Ngọc Tường) đã thi năm 2019, “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh châu) đã thi năm 2018, “Những đứa con trong gia đình” (Nguyễn Thi) cơ sở giáo dục thường xuyên không học, “Đàn ghita của Lorca” (Thanh Thảo) cơ sở giáo dục thường xuyên không học, “Nguyễn Đình Chiểu - ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” (Phạm Văn Đồng) không có kiểu dạng đề nghị luận văn học.
Cùng với đó, người đăng tải còn cho rằng, các tác phẩm khó ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay là tác phẩm “Vợ nhặt” (Kim Lân) đã ra trong đề thi minh họa THPT Quốc gia 2019 và tác phẩm “Tây Tiến” (Quang Dũng) đã ra đề thi dự bị THPT Quốc gia 2019.
Ngoài ra, người đăng tải thông tin còn có lời khuyên nên ôn các tác phẩm còn lại và những tác phẩm lớp 11 như: “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam); “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân); “Chí Phèo” (Nam Cao); “Vội vàng” (Xuân Diệu); “Tràng giang” (Huy Cận); “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử); “Từ ấy” (Tố Hữu).
Ngay sau khi đăng tải, thông tin này nhanh chóng thu hút được sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là các học sinh đang chuẩn bị tham dự kỳ thi này. Nhiều người tỏ ra hoài nghi nhưng không ít người lại tin vào tin đồn này và chia sẻ rộng rãi cho người thân, bạn bè.
Tuy nhiên, cô Nguyễn Hồng Phượng, giáo viên môn Ngữ văn dạy bậc THPT ở Sơn La khẳng định, đây là thông tin không có cơ sở và cảnh báo học sinh không nên tin vào đó, bởi Bộ GD&ĐT không công bố đề minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Học sinh sẽ dựa vào đề minh họa và đề chính thức của kỳ thi năm 2019 để ôn tập cho kỳ thi năm 2020.
“Các tác phẩm được cho rằng khó ra trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 là hoàn toàn sai, học sinh khi ôn tập không nên bỏ qua những tác phẩm đó bởi chúng vẫn thường xuyên được ra các đề thi”, cô Phượng nói.