Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao học đường

5 đề xuất cải cách giáo dục gây tranh cãi năm 2017

Cải tiến tiếng Việt; loại tác phẩm "Chí Phèo" khỏi sách giáo khoa phổ thông; giải thể Hội Phụ huynh; giải tán Phòng Giáo dục quận huyện; nhà trường không có chức năng thu bảo hiểm là loạt đề xuất giáo dục nhận nhiều ý kiến trái chiều trong năm qua.

Bùng nổ làn sóng tranh cãi về ý tưởng cải tiến “tiếq Việt”

“Luật giáo dục” phải viết là “luật záo zụk”, “nhà nước” là “n'à nướk”, “ngôn ngữ” là “qôn qữ”… - cách viết Tiếng Việt cải tiến mà PGS.TS. Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội) đề xuất đã gây tranh cãi lớn trong dư luận cả nước năm 2017.

Nghiên cứu hướng tới thực hiện nguyên tắc “mỗi chữ cái chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái biểu đạt” nhằm đơn giản hóa tiếng Việt, tiết kiệm thời gian, công sức học/viết chữ quốc ngữ.

5 đề xuất cải cách giáo dục gây tranh cãi năm 2017 Ảnh 1

PGS.TS Bùi Hiền là một nhà giáo có gần 30 năm công tác giảng dạy Tiếng Nga - người đưa ra đề xuất cải tiếng tiếng Việt.

Rất nhiều chuyên gia ngôn ngữ học đã phản đối đề xuất và chỉ ra những điểm bất hợp lý của nghiên cứu này, cộng đồng mạng “ném đá” cho rằng kiểu viết mới giống ngôn ngữ tuổi teen, kỳ quái, làm mất sự trong sáng của tiếng Việt. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, nên nghiêm túc nhìn nhận vào những hạn chế của Tiếng Việt, cái gì mới đều khó chấp nhận ngay.

Trước những xôn xao dư luận, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ và Bộ GD&ĐT chưa có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ. Cuối tháng 12/2017, tác giả Bùi Hiền tiếp tục công bố phần hai của bản cải tiến hệ thống chữ cái tiếng Việt và khẳng định, ông làm nghiên cứu không mục đích vì tiền hay rảnh làm cho vui mà muốn ứng dụng vào thực tế, nâng cao hiệu quả của bộ chữ cái La tinh trong giai đoạn phát triển và hội nhập vào cuộc cách mạng 4.0.

Đề xuất loại tác phẩm “Chí Phèo” khỏi SGK Ngữ văn 11

Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) đề xuất bỏ tác phẩm “Chí Phèo” khỏi chương trình phổ thông để tránh tác động xấu đến mặt nhận thức của học sinh lớp 11, giai đoạn mà tâm sinh lý các em phát triển khá phức tạp, dễ tiêm nhiễm cái xấu.

Theo ông Hiền, Chí xin đểu, đập phá, chửi bới, rạch mặt ăn vạ, cưỡng bức Nở, uống rượu say, giết người và tự sát. Vậy nếu chúng ta ủng hộ Chí, bảo vệ Chí chúng ta sẽ lý giải với các em thế nào khi một kẻ cùng đường, quẩn bức không lối thoát thì nên uống rượu say, cầm dao giết người rồi tự sát sao?

5 đề xuất cải cách giáo dục gây tranh cãi năm 2017 Ảnh 2

Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) - người đề xuất loại tác phẩm Chí phèo khỏi SGK phổ thông.

Ngay lập tức, dư luận đã nảy ra cuộc tranh cãi lớn, đa phần ý kiến phản đối gay gắt. “Đây là một ý kiến non nớt, thô thiển, không đáng để dư luận và báo chí quan tâm bàn cãi”, GS. Nguyễn Minh Thuyết nói ngắn gọn.

PGS. Đỗ Ngọc Thống - Tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới nói: “Với tôi bài viết ấy không đáng bàn, vì hiểu về tác phẩm Chí Phèo như thế chứng tỏ trình độ tiếp nhận tác phẩm văn học của người viết rất thấp”.

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, nếu xét ở góc độ giáo dục thì đây là ý kiến đáng để suy ngẫm. Những tác phẩm nào hay nội dung nào không còn phù hợp hay có những tác động tiêu cực chúng ta nên cân nhắc để cắt bỏ hoặc chuyển nó ở cấp học cao hơn dù tác phẩm đó có kinh điển đến như nào nữa.

Ông bố viết đơn lên Chính phủ kiến nghị giải tán Hội Phụ huynh

Cho rằng hội phụ huynh học sinh “lạm quyền” khi đứng ra thu những khoản tiền vô lý từ nhiều năm qua, ông Võ Quốc Bình (40 tuổi, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, TP HCM) gửi đơn lên các cơ quan quản lý giáo dục đề nghị giải tán hội phụ huynh học sinh vào tháng 9/2017.

Kiến nghị này đã nhận được đa số sự đồng tình của dư luận, nhiều phụ huynh nhận định Hội Phụ huynh đang biến thành “bia đỡ đạn” cho nhiều vị hiệu trưởng lạm thu đá quả bóng trách nhiệm khiến dư luận bức xúc.

5 đề xuất cải cách giáo dục gây tranh cãi năm 2017 Ảnh 3

Theo phụ huynh Võ Quốc Bình, các khoản “tự nguyện” trong trường học thông qua Hội phụ huynh đang làm nhếch nhác môi trường học đường.

Tuy nhiên, cũng có một số đặt băn khoăn: Dẹp Hội Phụ huynh có dẹp được nạn lạm thu không? Hơn nữa, chiếc cầu nối giữa nhà trường và gia đình không thể bị phá vỡ, Hội Phụ huynh đại diện cho tiếng nói của đại đa số phụ huynh không thể không tồn tại.

Về vấn đề gây tranh cãi trong dư luận, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ xem xét lại Thông tư về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh để có thể có những điều chỉnh phù hợp nhằm khắc phục tình trạng này.

Đề xuất bỏ Phòng Giáo dục quận, huyện trên cả nước

Trước chủ trương tinh giản biên chế của Đảng và Nhà nước, thầy giáo Bùi Nam đưa ra một số kiến nghị của mình nhằm giúp giảm gánh nặng cho bộ máy quản lý giáo dục. Theo tác giả của đề xuất trên, số lượng cán bộ mỗi phòng giáo dục hiện nay trung bình khoảng trên dưới 10 người, chưa tính lực lượng giáo viên biệt phái ở các trường về công tác tại phòng… Cả nước có 659 đơn vị hành chính cấp huyện - nếu giải tán phòng giáo dục quận, huyện thì sẽ có thêm nguồn tài chính để tăng lương cho giáo viên.

5 đề xuất cải cách giáo dục gây tranh cãi năm 2017 Ảnh 4

Đề xuất bỏ phòng giáo dục quận, huyện trên cả nước nhằm tinh giản bộ máy giáo dục gây nhiều tranh cãi (ảnh minh họa: VTV1).

“Phòng Giáo dục có chức năng giám sát, tư vấn chuyên môn cho các trường. Nếu bỏ đi thì Sở GD-ĐT không thể nào sâu sát tới từng trường. Chỉ có điều, đặt trong bối cảnh sẽ tăng quyền tự chủ cho các trường thì việc xác định lại vai trò của phòng giáo dục cho hợp lý”, GS. Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm về đề xuất.

Trái lại, nhiều giáo viên lại cho rằng, đây là đề xuất hay. “Một ý kiến hay và đúng. Đến HĐND cấp huyện mà còn giảm được thì Phòng Giáo dục cũng giảm là rất đúng. Chỉ có điều, những người đã quen làm quan rồi, bây giờ bỏ đi thì họ làm gì, đi đâu? Điều quan trọng là những người làm ở Phòng Giáo dục huyện không muốn bỏ vị trí ấy”, một giáo viên lâu năm tại Hà Nội đồng tình.

Nhà trường không có chức năng thu bảo hiểm?

Năm 2017, trên mạng xã hội lan truyền bức ảnh đăng tải ý kiến của một phụ huynh học sinh tại Hà Nội khi nhận được thông báo thu bảo hiểm y tế (BHYT) từ nhà trường với nội dung rằng: Nhà trường là nơi truyền chữ cho học sinh, không phải công ty kinh doanh bảo hiểm và nhất định không mua bảo hiểm y tế qua khâu trung gian môi giới.

Đã có rất nhiều ý kiến tranh cãi về vai trò của nhà trường trong việc tham gia BHYT của học sinh sinh viên.

5 đề xuất cải cách giáo dục gây tranh cãi năm 2017 Ảnh 5

Ý kiến của một phụ huynh học sinh tại Hà Nội khi nhận được thông báo thu bảo hiểm y tế (BHYT).

Rất nhiều phụ huynh đồng tình với đề xuất, nhà trường không có chức năng thu BHYT.

Trước băn khoăn dư luận, theo đại diện BHXH Việt Nam, sở dĩ việc nhà trường thu BHYT dễ tạo ra ý kiến tranh luận trái chiều là do nhiều phụ huynh đang hiểu sai về bản chất của BHYT so với các loại hình bảo hiểm khác.

Trên thực tế, BHYT đang là một giải pháp cơ bản nhất để chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Cũng tại trường tiểu học Hà Nội, năm học vừa qua đã có nhiều trường hợp các em không may bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn đều được quỹ BHYT chi trả.

Ngoài việc được Quỹ BHYT chi trả đến 80% chi phí khám chữa bệnh, nhóm học sinh, sinh viên đang hưởng thụ nhiều lợi ích hơn hẳn các nhóm khác như Nhà nước hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ. Số tiền này cũng sẽ được thu một cách linh hoạt, có thể chia thành nhiều đợt trong năm với các mức đóng khác nhau để giảm áp lực cho các bậc phụ huynh.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Dân Trí

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hé lộ điều đặc biệt về không gian hẹn hò của Michael Trương ở Đảo Thiên Đường