Trước đó, vào tối 30/6, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10 của gần 105.000 học sinh. Được biết, số chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT công lập khoảng 72.000, chiếm 55,7%, cùng chỉ tiêu của một số trường chuyên. Tương đương hơn 30.000 học sinh sẽ không có cơ hội vào học tại các trường công lập.
Chính vì điều này, sau khi Hà Nội công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 công lập, nhiều phụ huynh đã chạy đôn chạy đáo để tìm trường học, nộp hồ sơ vào trường tư thục cho con.
Cha mẹ chạy đôn chạy đáo tìm trường tư cho con
Theo Vietnamplus, sáng nay (4/7), rất đông các phụ huynh đã tập trung tại cổng trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) từ 2 -3h sáng. Khoảng 5h, nhà trường bắt đầu phát số thứ tự và mở cổng cho phụ huynh.
Hai giờ sáng, hai vợ chồng chị Tâm giật mình bật dậy khi nghe tiếng chuông điện thoại. Mặc vội quần áo, với tay lấy bộ hồ sơ của con đã được chuẩn bị sẵn từ sáng, anh chị vội vã lên xe đi từ Long Biên sang quận Đống Đa để nộp đơn xin học cho con vào Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú.
“Tôi đến trường lúc ba giờ sáng, tưởng mình sẽ là người đến sớm nhất nhưng trước tôi đã có hơn 10 phụ huynh đứng xếp hàng đợi sẵn. Có phụ huynh cho biết đã đến đây từ 1 giờ,” chị Tâm chia sẻ.
Khoảng 5h sáng, cán bộ, giáo viên nhà trường bắt đầu phát số. Khoảng 5h30, trường mở cửa cho phụ huynh vào đăng ký theo thứ tự. Chỉ trong khoảng vài tiếng, việc đăng ký đã hoàn tất, những phụ huynh đến muộn không còn cơ hội. Đúng 8 giờ 9 phút, nhà trường thông báo dừng tuyển sinh vào lớp 10.
Không may mắn như chị Tâm, sáng nay, rất nhiều phụ huynh đã phải ra về vì đến muộn. “Tôi chưa biết sẽ phải nộp hồ sơ cho con vào đâu vì cháu đã trượt cả hai nguyện vọng vào trường công lập,” chị P.T.T. (quận Hoàng Mai) buồn bã nói.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Nguyễn Thanh Tùng (quận Đống Đa) cũng chung cảnh ngộ khi con đăng ký vào lớp 10 ở 2 trường top đầu Hà Nội. Tuy nhiên, hiện tại con anh đã trượt cả 2 nguyện vọng do thiếu 0,25 điểm.
"Chúng tôi buồn và rối bời vô cùng. Gia đình đang làm đơn phúc khảo mong con được cộng thêm 0,25 điểm Văn nữa thôi để đủ điểm trúng tuyển. Tuy nhiên, tôi biết phúc khảo rất khó lên điểm. Điều khó khăn với gia đình bây giờ chỉ đăng ký có 2 nguyện vọng và trượt cả 2 nên phải làm hồ sơ vào trường dân lập. Hôm qua gia đình có việc về quê nên nhờ cô giáo chủ nhiệm đứng xếp hàng chờ nộp hồ sơ vào Trường THPT Phan Huy Chú. Tuy nhiên, cơ hội rất mong manh. Cả nhà chạy đôn chạy đáo mà chưa đâu vào đâu", anh Tùng cho hay.
Không chỉ có vợ chồng chị Tâm, anh Tùng mà hàng nghìn phụ huynh khác ở Hà Nội đang đôn đáo xuôi ngược khắp nơi để tìm chỗ cho con học. "Nếu như con học kém thì bố mẹ đã có phương án từ ban đầu không cho con thi hoặc tìm trường tư cho con. Đằng này con học giỏi, chỉ thiếu chút điểm may mắn đã trượt đau. Giờ thực sự tôi không biết cho con học trường nào vì không nghĩ có ngày con thi trượt. Trường ưng ý thì không đủ tiền trả học phí cho con. Trường không tốt thì quá thương con", một phụ huynh buồn bã chia sẻ.
Chị Bùi Thanh Loan, quận Cầu Giấy, Hà Nội có con học Trường THCS Dịch Vọng, đăng ký nguyện vọng 1 lớp 10 vào Trường THPT Cầu Giấy cho biết: "Sau khi có điểm chuẩn, các gia đình có con trượt công lập lớp 10 thật sự rất khổ. Chạy đôn chạy đáo ở cổng trường tư. Cha mẹ có con thi vào lớp 10 vừa hao tâm vừa hao túi tiền. Bọn trẻ lo 4 phần thì cha mẹ lo tới 6 phần. Từ mấy tháng trước, gia đình nào cũng đăng ký vào trường tư để đề phòng trượt trường công. Nộp hồ sơ các trường này mất 5, 6 triệu đồng/trường. Nếu học sinh nào không đỗ công lập thì lại phải đóng tiền đợt nữa vào trường tư để đặt chỗ, đóng muộn thì hết suất. Trong khi đó, học phí cao nên không phải ai cũng theo được trường tư.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự cạnh tranh rồi thất bại đau lòng này đừng nên trách bố mẹ gây sức ép. Ngành Giáo dục cần thay đổi chính sách thi vào lớp 10 để không tiếp tục xảy ra những sự việc thế này".
Sở GD&ĐT Hà Nội nói gì?
Tiền Phong đưa tin, Hà Nội hiện có 117 trường THPT công lập (đáp ứng được khoảng 72.000 học sinh mỗi năm học), 119 trường tư thục và trường công lập tự chủ (đáp ứng được khoảng 30.000 học sinh), 29 trung tâm GDNN-GDTX và các trường nghề đáp ứng được khoảng 30.000 học sinh.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định, thành phố Hà Nội có nhiều mô hình trường tạo cơ hội mở, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhiều đối tượng học sinh.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay toàn thành phố Hà Nội đảm bảo được khoảng 60% em vào trường THPT công lập. Thực trạng thiếu trường lớp là vấn đề khó khăn mà ngành và địa phương đang đối mặt. Thành phố đã chỉ đạo sẽ tìm kiếm nguồn xây dựng thêm trường học để tăng tỉ lệ học sinh vào trường công song song với nâng tỉ lệ trường chuẩn quốc gia và yêu cầu các khu đô thị mới phải xây dựng trường trước khi bán dự án.