Mở rộng thêm các môn xã hội
Các môn thuộc tổ hợp khối C (văn, sử, địa) lâu nay chỉ được sử dụng để tuyển sinh các ngành khoa học xã hội. Nhưng năm nay, tổ hợp này lại được nhiều trường sử dụng để xét tuyển thí sinh (TS) nhiều ngành khác.
Theo phương án tuyển sinh của Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, nhiều ngành xét tuyển cả tổ hợp văn, sử, địa và văn, sử, giáo dục công dân như: công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ chế tạo máy, công nghệ kỹ thuật xây dựng, kế toán, tài chính ngân hàng.
Riêng ngành công nghệ thông tin trường này sử dụng đồng thời 2 tổ hợp văn, sử, địa và văn, địa, giáo dục công dân (bên cạnh toán, lý, hóa; toán, lý, địa). Trong khi ngành này năm ngoái, trường sử dụng tất cả tổ hợp đều chứa môn toán (như: toán, văn, địa; toán, văn, lý; toán, văn, Anh; toán, lý, hóa).
Nhóm ngành sức khỏe của trường này cũng có sự điều chỉnh môn xét tuyển theo hướng sử dụng nhiều môn thuộc khối C. Ngành kỹ thuật xét nghiệm y học năm 2017 chỉ sử dụng 2 tổ hợp (toán, lý, sinh và toán, hóa, Anh) thì nay đổi thành: văn, sinh, sử và toán, văn, Anh.
Trường ĐH Nam Cần Thơ cũng tuyển TS dự thi tổ hợp văn, sử, địa cho các ngành kế toán, tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, bất động sản.
Ở phương thứcxét tuyển học bạ, trường này còn sử dụng các môn công nghệ, tin học trong tổ hợp xét tuyển các ngành: dược học, kiến trúc, kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ hóa học, công nghệ thực phẩm, kỹ thuật hình ảnh y học, kế toán…
Trường ĐH Bình Dương sẽ tuyển TS bằng khối C cho các ngành đòi hỏi tính toán nhiều như: kế toán, tài chính ngân hàng.
Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế) sử dụng tổ hợp này cho các ngành: khuyến nông, phát triển nông thôn. Nhiều ngành khác năm nay cũng bổ sung thêm tổ hợp có chứa môn xã hội (văn, sinh, địa) như: nuôi trồng thủy sản, quản lý thủy sản, bệnh học thủy sản, lâm học…
Kiến trúc không thi vẽ!
Trước nay, các ngành đặc thù như kiến trúc, thiết kế nội thất luôn yêu cầu thi năng khiếu vẽ trong tuyển sinh đầu vào. Nhưng ở năm nay, một số trường lại tuyển sinh các ngành này bằng tổ hợp không có môn năng khiếu.
Trường ĐH Thủ Dầu Một tuyển sinh ngành kiến trúc bằng 2 tổ hợp toán, văn, khoa học tự nhiên và toán, lý, hóa (bên cạnh 2 tổ hợp truyền thống toán, lý, vẽ mỹ thuật và toán, văn, vẽ mỹ thuật).
Trường ĐH Nam Cần Thơ cũng không yêu cầu TS xét tuyển vào ngành kiến trúc bằng phương thức học bạ phải có điểm môn năng khiếu.
Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thì tuyển sinh 2 ngành kiến trúc và thiết kế nội thất bằng 2 tổ hợp không chứa môn năng khiếu: toán, lý, hóa; toán, văn, Anh (bên cạnh 2 tổ hợp truyền thống toán, văn, vẽ và toán, lý, vẽ).
Lý giải việc này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết trường vẫn duy trì 2 tổ hợp môn xét tuyển truyền thống có chứa môn vẽ song song với thử nghiệm các tổ hợp mới. Điều này nhằm tạo điều kiện cho những TS không thực sự có năng khiếu vẽ nhưng có khả năng cảm nhận cái đẹp, có ý tưởng, tư duy sáng tạo tốt, thích ứng được với công nghệ vẫn có thể theo học các ngành thuộc khối kiến trúc quy hoạch. “Tuy nhiên việc tuyển những TS không sơ tuyển môn vẽ vẫn được xem là giai đoạn thử nghiệm, trường sẽ đúc kết qua quá trình đào tạo để có đánh giá thực sự”, ông Quốc Anh nói thêm.
Thạc sĩ - kiến trúc sư Nguyễn Huy Văn, Phó trưởng phòng Đào tạo và công tác sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho biết các trường ĐH ở nước ngoài không tổ chức thi năng khiếu khi tuyển sinh đầu vào với các ngành kiến trúc, thiết kế nội thất. Bởi lẽ học sinh đã được định hướng và trang bị quan điểm về môn nghệ thuật ngay từ bậc phổ thông. Tuy nhiên trong điều kiện nền giáo dục hiện tại của VN thì bước sơ tuyển để kiểm tra năng khiếu này của người học là cần thiết.
Theo ông Văn, với một người theo học ngành kiến trúc, thiết kế nội thất cần có nền tảng ban đầu về mỹ thuật, tư duy nghệ thuật và cảm nhận cái đẹp. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ như hiện nay, nhiều người có thể ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin để tạo ra các bản vẽ. Tuy nhiên đó chỉ là sản phẩm đơn thuần của công nghệ, còn tác phẩm do kiến trúc sư tạo ra còn thể hiện sự sáng tạo, ẩn chứa trong đó các giá trị văn hóa, lịch sử, tính đương đại của đời sống con người…
Một kiến trúc sư đang làm việc tại Úc cũng cho biết các trường ở Úc cũng không thi năng khiếu nhưng học sinh vào học khối ngành này dĩ nhiên phải chọn môn nghệ thuật ở bậc phổ thông. Và việc giảng dạy các môn nghệ thuật trong trường phổ thông ở các nước rất chuyên nghiệp, thật sự đánh giá được năng khiếu của học sinh. Kiến trúc sư này cũng cho rằng ở VN hiện nay vì môn nghệ thuật chưa được giảng dạy trong trường phổ thông một cách chuyên nghiệp nên nếu không kiểm tra năng khiếu trong xét tuyển sẽ khó chọn được người phù hợp.
Ý kiến
Không phù hợp
Sử dụng tổ hợp khối C để xét tuyển các ngành có đòi hỏi cao về tính toán là không phù hợp bởi người giỏi khối C thường có khả năng thiên về xã hội, cũng có thể biết về tính toán nhưng không thể đủ giỏi để đáp ứng yêu cầu tính toán cao. Tổ hợp xét tuyển là cơ sở khẳng định năng lực cơ bản của người học trong một lĩnh vực kiến thức nhất định, qua đó đánh giá năng lực học ĐH và theo đuổi nghề nghiệp sau này. Vì vậy tổ hợp xét tuyển phải phù hợp với ngành đào tạo.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ
(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)Người học sẽ gặp nhiều khó khăn
Tổ hợp xét tuyển có chứa môn toán là khối kiến thức quan trọng mà người học ngành công nghệ thông tin cần có. Bởi lẽ chỉ riêng trong chương trình đào tạo các ngành này đã có nhiều môn liên quan đến môn toán. Vì vậy người học nếu không giỏi toán sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
PGS-TS Vũ Đức Lung
(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM)Ảnh hưởng đến kết quả học tập
Việc sử dụng các môn thuộc tổ hợp xét tuyển khối C để tuyển người học các ngành thuộc nhóm công nghệ, kỹ thuật, kinh tế cần xem xét thêm ở kết quả học tập. Nếu là những TS học đều các môn và sử dụng tổ hợp khối C để có điểm cao hơn thì không ảnh hưởng đến quá trình đào tạo. Nhưng ngược lại, nếu TS học lệch và chỉ có thiên hướng giỏi các môn khối C nhưng theo học các ngành đòi hỏi tính toán nhiều sẽ gặp khó khăn trong quá trình học và làm việc sau này.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn
(Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM)