Tháng 3 này là tròn ba năm tôi vào Sài Gòn. Ba năm, khoảng thời gian không quá dài so với một đời người nhưng là cả miền ký ức, là cả món nợ những ân tình.
Còn nhớ hồi sinh viên, tôi tình cờ đọc được đâu đó câu chuyện đại ý rằng: Ngày nào cũng vậy, cứ đúng 7 giờ sáng, ngay khoảnh sân của ngôi nhà nằm ngay góc ngã ba Bàu Cát 2-Trương Công Định (phường 14, quận Tân Bình) xuất hiện đàn chim sẻ, bồ câu cả trăm con đua nhau xuống “đánh chén”. Người thết đãi bầy chim không ai khác là chủ nhân ngôi nhà.
Lý do ư? “Vì họ là dân Sài Gòn luôn rộng lòng bao dung, kể cả đối với chim huống chi người”.
Vậy là con bé một mẩu yên tâm xách ba lô gồm mấy bộ quần áo cùng 6 triệu đồng giắt túi bắt xe vào Sài Gòn. À, con bé đó là người miền Trung (dân Nghệ An), ra Bắc học rồi vào Nam lập nghiệp.
Bác tài khó tính trên tuyến buýt
Câu chuyện mới xảy ra cách đây khoảng tháng, tôi nhớ mang máng là xe buýt 93 hay 95 gì đấy.
Những lúc buồn buồn, tôi có thói quen khóa Facebook, tắt điện thoại, leo đại lên một tuyến xe buýt nào đó lang thang khắp thành phố.
Hôm đó, tôi đứng bắt xe gần Bến xe Miền Đông. Bác tài là một người rất khó tính. Xe không có nhân viên phụ đi xé vé, thu tiền nên vài đứa “gà mờ” như tôi lên xe chưa kịp định hình đã bị nhắc tự xé vé, bỏ tiền vào thùng. Giọng bác sang sảng nói mà giống như quát. Mấy người bị lận. Tôi tính đi đoạn rồi cũng nhảy xuống cho đỡ bực mình.
Đi được đoạn khá xa thì có cô cầm xấp vé số bước lên. Cô cũng đi thẳng về ghế ngồi chứ không xé vé, vậy là bác tài tiếp tục “bài ca cũ”.
- Ủa xe này hôm nay không có nhân viên đi thu như mọi ngày hả bác tài? Cô hỏi vậy.
- Xe này có bao giờ có đâu. Bác tài đáp.
- Kỳ ha. Tui nhớ có mà. Vừa nói cô vừa lên chỗ bác tài tính xé vé, trả tiền.
- Từ từ xé vé. Cô về đâu, coi chừng lộn chuyến nha!
Cô bán vé số trả lời điểm đến. Nghe xong bác tài “quát”: “Lộn chuyến rồi, thôi cô ngồi đó đi, lát tui dừng cho xuống kia mà bắt chuyến. Đừng có xé vé …”.
Đi qua tầm hai trạm, bác tài dừng cho cô bán vé số xuống. Cô bán vé số cứ cảm ơn rối rít. Thực ra vé xe buýt tuyến đó cũng chỉ có 6.000 đồng nhưng với những người bán vé số lượm từng ngàn tiền lãi thì nó đâu nhỏ.
Những người khách lên xuống trạm vẫn đều đặn. Vài con “gà mờ” tiếp tục bị nhắc nhở bằng chất giọng sang sảng như quát nhưng tôi không còn thấy khó chịu nữa. Người Sài Gòn thô thô mà thiệt, nghĩ sao nói vậy. Mà nói vậy chớ chẳng để bụng ai bao giờ!
Có một lão khùng ở nhà tang lễ An Bình
Lão khùng là ông bạn lão gọi vậy chớ không phải tôi gọi. Mới hôm rồi, tôi qua nhà tang lễ tính thắp hương cho người bạn.
11 giờ trưa chạy qua, tôi gửi xe, bác nhìn nhìn xíu rồi hỏi: “Đây là nhà tang lễ người Hoa nha! Có đúng người nhà trong này hông?”.
Tôi gãi đầu vì thú thực cũng chỉ đọc báo biết vậy. Thấy vậy, bác lắc đầu bảo: “Thôi xe để đây, tui trông cho, vào ngay cái cửa có nhân viên hỏi coi có đúng người nhà ở đây không”. Tôi chạy vào hỏi thăm, nhân viên nhà tang lễ nói có ở đây nhưng phải đợi công an đến làm việc trước, 2 giờ chiều quay lại.
Chạy ra, biết chuyện bác cười bảo vậy thôi lấy xe đi chiều quay lại. Tôi trả tiền bác lắc đầu. Chiều quay lại, bác bảo: 5 xị nha (thực chất là 5.000 đồng).
Lão khùng dễ thương gì đâu!
Lại nhớ mới hôm rồi, tôi bị hỏng xe, đề mãi không nổ phải dắt bộ. Xe nặng nên mới dắt có đoạn mà mệt bở hơi tai. Bụng đói, trời đã tối muộn nên mấy tiệm sửa xe dọc đường đã đóng cửa, tôi chỉ muốn xỉu. Nhà tôi ở tận Bình Thạnh, dắt bộ gần 10 cây số chắc ngày mai khỏi đi làm.
Đến vòng xoay Lăng Cha Cả, một anh ghé vào hỏi: “Xe bị gì đó nhỏ, vô đây anh xem cho!”.
Anh tấp xe bên đường dừng lại, rồi sửa sửa xíu xe chạy ngon lành. Tôi lí nhí cảm ơn, tính trả anh tiền mà anh cười bảo: “Có gì đâu mà tiền nong”. Tôi chỉ kịp nhớ mang máng biển số xe anh tốt bụng: 59P2-376.65.
Nhiều câu chuyện dễ thương lắm chẳng nhớ hết được. Là ông thầy giáo mua vé số chẳng mấy khi dò kiểm tra xem có trúng hay không, vé số mua xếp đầy cả ví rồi quên bẵng. “Mua ủng hộ người ta vậy thôi chớ nhớ thì dò, không thì thôi”. Là cô Hương - chủ quán cơm trên đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh cho tụi sinh viên ăn nợ mấy hôm liền, cuối tháng có “lương thầy u” tụi nó chạy qua trả.
Là Sài Gòn to đùng, to gấp mấy lần Hà Nội, đi đâu muốn không lạc đường phải hỏi các bác xe ôm, được chỉ nhiệt tình… Là đã đi được một quãng đường khá dài, bỗng có người chạy theo nói: “Gạt chân chống xe lên, té giờ, tui gọi hoài cô không nghe”, “Cô gì ơi, chạy hướng kia mới đúng, nãy tui chỉ lộn”…
Ở Sài Gòn lâu mới biết mấy người đi xe cà tàng, ngồi trà đá, cơm tấm vỉa hè “quê quê” vậy chớ giàu nứt đố đổ vách. Chẳng qua họ không thích thể hiện mà thôi!
Sài Gòn đâu chỉ có tắc đường, ngập nước, kẹt xe,…!