Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn đang diễn ra vô cùng căng thẳng, ở các tuyến đầu, không ít lần các bác sĩ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn. Thế nhưng, đó cũng là lúc tình yêu thương giữa con người với con người, tình cảm vợ chồng, gia đình trỗi dậy mạnh mẽ nhất.
Mới đây, bác sĩ Lê Văn Thiệu của Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương đã chia sẻ câu chuyện về một cặp vợ chồng lớn tuổi bị nhiễm Covid-19 và đều có bệnh cảnh rất nặng. Sau nhiều ngày điều trị, tình trạng của 2 ông bà đều xấu đi và khi được chỉ định thở máy, bà đã nghĩ ngay tới việc nhường máy thở cho ông dù bệnh viện không thiếu.
Tình cảm của bà dành cho ông khiến các y bác sĩ xúc động mạnh. Nguyên văn bài chia sẻ của bác sĩ Thiệu như sau:
“Nếu thiếu máy thở, tôi xin nhường máy thở cho ông ấy!".
Người phụ nữ đến cuối cùng vẫn chọn cách hy sinh cho gia đình, hy sinh cho chồng, cho con cho dù.... não bà đang thiếu oxy, dù bà có đang thở không ra hơi thì bà vẫn thều thào nói với chúng tôi vậy. Nhưng thật may thay, chúng tôi không thiếu máy thở.
Covid-19 thường có yếu tố gia đình. Một người bị là cả nhà bị. Gia đình ông bà cũng không phải là ngoại lệ, cả hai cùng vào viện trong bệnh cảnh rất nặng. Qua những ngày hỗ trợ hô hấp không xâm nhập, tình trạng của cả 2 ông bà đều xấu đi và bà được chỉ định cần can thiệp đặt ống thở máy.
Sau khi giải thích rằng bà cần can thiệp máy thở để đảm bảo mức oxy cho cơ thể, bà đã nghĩ ngay đến việc sẽ nhường việc đó cho ông. Chúng tôi đành phải cố giải thích cho bà rằng mỗi bệnh nhân cần một cách tiếp cận điều trị khác nhau và oxy cũng giống như việc dùng thuốc, cần đúng liều lượng, đúng thời gian, không nhiều quá mà cũng không ít quá. Trường hợp của ông cần tiếp tục theo dõi chứ không cần can thiệp ngay như bà.
Dù vậy, có vẻ như lời giải thích đó vẫn chưa thuyết phục được bà. Chúng tôi đành chỉ cho bà nhìn về nơi góc phòng máy. ‘Bà yên tâm! Chúng cháu không thiếu bà ạ. Chúng cháu sẽ cứu cả 2 ông bà’. Thoáng chốc tôi thấy sự an tâm trên nét mặt của bà. An thần cũng có tác dụng, bà cũng đi vào giấc ngủ để mặc cho chúng tôi thể hiện tài năng của mình.
Vài ngày sau, bệnh tình của ông trở nặng. Ông cũng cần an thần thở máy. Có lẽ cũng tốt hơn việc hằng ngày nhìn thấy bà mà không giúp được gì.
May thay, bệnh tình của ông lại tiến triển rất tốt. Ông được cai thở máy và rút ống nội khí quản, chuyển sang chế độ thở oxy như trước. Ông như được sống lại lần nữa nhưng nhìn giường bà bên cạnh, nước mắt ông vẫn lăn dài trên má.
Hôm nay (12/08), trời mưa khá to nhưng có lẽ là một ngày đẹp trời với cả 2 ông bà khi đều được rút ống thở máy chuyển sang thở oxy thường. Bà được can thiệp sau ông nửa ngày. Khi được hỏi ông có muốn nói gì với bà không, ông mượn chúng tôi giấy bút và ghi những dòng yêu thương nhất động viên bà. Bức thư được gửi đi từ giường bệnh đến giường bệnh tại một nơi thật đặc biệt- Khoa Cấp cứu”.
Câu chuyện của bác sĩ Thiệu tại Khoa Cấp cứu đã lấy đi nước mắt của nhiều người. Ai cũng cảm động trước tình cảm ông bà dành cho nhau, cảm động trước những dòng thư tay ngắn ngủi ông viết cho bà trong lúc sức khỏe còn yếu: “71 năm/người yêu em. 71 năm 2 đứa lấy nhau… Nay ai còn ai mất thì người ở lại phải có trách nhiệm với các con. Em ơi, cố lên nhé!”.
Người ta nói yêu nhau đến răng long đầu bạc nhưng cặp vợ chồng này đã yêu nhau tới hơi thở cuối cùng. Khi cả hai đang nằm trên giường bệnh, họ vẫn nghĩ về nhau, động viên nhau và lo cho các con. Tình yêu đó đã làm tan chảy trái tim của nhiều người.