Ngày 21/12, ông Phan Sỹ Thắng - Chánh văn phòng UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết, trên địa bàn một số xã Mường Lống, Na Ngoi… xuất hiện băng giá, trời rét đậm, rét hại.
Theo ông Thắng, nền nhiệt trong những ngày qua ở vùng núi cao Kỳ Sơn luôn dưới 10ºC, một số nơi xuống 0ºC vào buổi đêm. Đến rạng sáng thì băng giá phủ trắng trên các nhành cây, mái nhà, gọng cỏ, các thung lũng…; đến khi hửng nắng băng mới tan.
Không riêng ở huyện Kỳ Sơn, một số nơi tại huyện Quế Phong cũng có hiện tượng tương tự. Thậm chí đầu buổi sáng nhiệt độ vẫn duy trì ở 3 - 5 độ C, đến trưa cũng chỉ khoảng 10 - 15 độ C.
Tuy hôm nay (21/12) thời tiết đã ấm dần lên nhưng nước vẫn còn đóng băng và cây cối có hiện tượng chết khô vì giá rét. Rất nhiều người thích thú trước hiện tượng này, nhưng đối với người dân vùng cao thì việc xuất hiện băng giá đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hằng ngày.
Cô Trần Thị Thu, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Nhóong, xã Nậm Nhóong, huyện Quế Phong cho biết: “Do quá lạnh nên nhà trường đã chủ động đón các cháu muộn hơn khoảng 30 phút để đảm bảo sức khỏe cho các cháu. Đồng thời, nhà trường vẫn đang tích cực vận động, tuyên truyền phụ huynh và các cháu mặc quần áo đầy đủ, giữ ấm và đảm bảo sức khỏe cho các em đến trường”.
Sự việc đã bắt đầu trở nên nghiêm trọng khi 5 con bò tại xã Nấm Cắn, huyện Kỳ Sơn đã chết do giá rét.
Trước những biến phức tạp của thời tiết, chính quyền địa phương đã có những chỉ đạo, hướng dẫn người dân chống rét, đảm bảo sức khỏe cho người già, trẻ em; bên cạnh đó tuyên truyền cho người dân cần có biện pháp sưởi ấm cho gia súc, gia cầm.