Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Xử lý như thế nào vụ cô gái nhổ răng số 8 bị tử vong ở Hải Phòng?

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Trước vụ việc chị Nguyễn Thị Thu Trang tử vong sau khi được tiêm thuốc gây tê để nhổ răng số 8 tại bệnh viện, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng, để có căn cứ xác định nguyên nhân tử vong thì cần thiết lập Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân vụ việc.

Đến bệnh viện nhổ răng số 8, một phụ nữ tử vong

Theo thông tin ban đầu, khoảng 8 giờ 40 phút ngày 15/3, chị Nguyễn Thị Thu Trang (SN 1982, trú tại Đông Khê, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) đi một mình đến Bệnh viện Quân y 7 Hải Phòng ở đường Bến Bính, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng để thăm khám nhổ răng số 8.

Rất đông người nhà bệnh nhân tập trung tại bệnh viện. Ảnh Dân trí

Trong quá trình nhổ răng, sau khi bác sĩ xét nghiệm xong, chị Trang được tiêm thuốc gây tê trước khi nhổ răng. Tuy nhiên, chưa kịp tiến hành phẫu thuật, nhổ răng thì chị thấy có dấu hiệu khó thở, trụy tim. Ngay sau đó, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu bệnh nhân nhưng chị Trang đã tắt thở vào khoảng 12 giờ 20 cùng ngày.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, lực lượng công an đã nhanh chóng có mặt thu thập tài liệu, điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội đánh giá, nhổ răng là ca phẫu thuật nhỏ, được thực hiện không cần gây mê mà chỉ cần gây tê. Trước khi tiểu phẫu cần làm các xét nghiệm máu để đảm bảo công thức máu và khả năng đông máu bình thường.

“Về cơ bản thì việc nhổ chiếc răng số 8 của chị Trang là không nguy hiểm hay biến chứng gì đến người bệnh. Vì hiện nay, với kỹ thuật nha khoa hiện đại và tay nghề bác sỹ được nâng cao thì sẽ giảm thiểu thấp nhất các rủi ro. Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân tử vong của chị Trang là trong giai đoạn tiêm thuốc gây tê trước khi nhổ răng. Như vậy, cái chết của chị Trang được xác định là ở khâu gây tê đã gây biến chứng sốc phản vệ, chứ không phải do việc đang nhổ chân răng thì bị tử vong”, luật sư Thơm nhận định.

Cần thiết lập Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân vụ việc, quy trình khám chữa bệnh tại bệnh viện

Luật sư Thơm cho rằng, gây tê là phương pháp giúp người bệnh không đau với mức độ thức tỉnh khác nhau nhằm duy trì ổn định các chức năng sống trong khi thực hiện phẫu thuật (mổ), thủ thuật. Gây tê đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động phẫu thuật và được chuẩn bị trước khi phẫu thuật.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

Sử dụng thuốc gây tê, mê là một tiến bộ rất lớn của ngành y nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Tuy nhiên sử dụng thuốc loại này giống như con dao hai lưỡi mà lưỡi. Thuốc có tác dụng gây tê là rất tốt nhưng đồng thời cũng có thể gây tai biến chết người. Không hiếm xảy ra trường hợp người bệnh chỉ mới được tiêm một liều thuốc gây tê nhỏ lại bị tử vong vì sốc thuốc không những ở Việt Nam mà ngay cả những nước có nền y tế phát triển.

Thuốc gây tê là thuốc có tác dụng ức chế dây thần kinh cảm giác để làm tạm thời mất cảm giác tại nơi thuốc tiếp xúc. Tức là thuốc chỉ gây tê, làm mất cảm giác đau đớn tại nơi có thuốc chứ không ảnh hưởng đến ý thức, hoạt động của cơ thể. Các trường hợp tiểu phẫu thuật đều được áp dụng tê tại chỗ. Vì tê tại chỗ nên bệnh nhân hoàn toàn tỉnh khi làm phẫu thuật.

“Tác dụng phụ của thuốc gây tê thường là hạ huyết áp, nhịp tim chậm. Tác dụng trên thần kinh như gây vật vã, suy hô hấp và co giật. Đặc biệt thuốc có thể gây dị ứng, trầm trọng nhất là gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Khi nhổ răng bình thường sẽ được tiêm thuốc tê vùng nướu và có cảm giác tê cứng, không còn cảm giác nhưng ý thức vẫn hoàn toàn tỉnh táo, tay chân vẫn hoạt động bình thường. Có thể trong trường hợp chị Trang nhổ răng số 8 đã được Bác sĩ chỉ định gây tê một vùng rộng lớn nên đã được trích thuốc vào tủy sống hay ngoài màng cứng”, luật sư Thơm cho biết.

Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh cho rằng, để có căn cứ xác định nguyên nhân chị Trang tử vong thì cần thiết lập Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân vụ việc, quy trình khám chữa bệnh của chị Trang tại bệnh viện. Kết luận của Hội đồng chuyên môn sẽ là căn cứ xác định giải quyết vụ việc theo qui định của pháp luật.

“Nếu bác sĩ điều trị không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy trình kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành Răng Hàm Mặt được qui định tại Quyết định số 3207/QĐ-BYT ngày 29/8/2013 là nguyên nhân dẫn tới bệnh nhân tử vong thì sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 315 Bộ luật hình sự 2015.

Trường hợp, nếu có căn cứ xác định, bác sỹ đã thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật khám, chữa bệnh Răng Hàm Mặt và chị Trang tử vong là rủi ro trong y khoa thì bác sỹ điều trị không phải chịu trách nhiệm hình sự. Do bác sĩ điều trị làm việc tại Bệnh viện thì khi hậu quả xảy thì Bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường cho bệnh nhân theo qui định tại các Điều 590, 597 Bộ luật dân sự 2015”, luật sư Thơm khẳng định.

Điều 315 Bộ luật hình sự năm 2015. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác:

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Điều 589 Bộ luật dân sự 2015. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

4. Thiệt hại khác do luật quy định.

Điều 597 Bộ luật dân sự 2015 . Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra

Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất