Nữ sinh mồ côi gặp nạn trên đường đi làm thêm phụ giúp mẹ
Hai ngày nay, bà Trần Thị Liên (48 tuổi, quê ở xã Châu Sơn, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) luôn túc trực bên ngoài phòng bệnh Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện 19-8 Bộ Công an). Phút chốc người mẹ này lại vội ghé qua phòng nơi con gái là Nguyễn Thị Kim Cúc (SN 2000, sinh viên năm 2, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội) đang nằm hôn mê.
Nhìn thấy con bị băng bó khắp đầu vừa trải qua ca phẫu thuật mổ phần hộp sọ sau tai nạn, bà Liên bật khóc. Người mẹ này cầu trời khấn phật mong con tai qua nạn khỏi.
Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Liên buồn rầu kể về hoàn cảnh khốn khó của gia đình mình. Chồng bà là ông Nguyễn Cảnh Tùng (SN 1973) cách đây 3 năm đã không may gặp nạn tại xưởng gỗ rồi qua đời. Một mình người phụ nữ khắc khổ này gồng gánh nuôi 3 đứa con. Mọi gánh nặng đều đè lên vai bà. Sức khoẻ yếu nên bà Liên chỉ quanh quẩn ở nhà với vài sào ruộng để lo cho các con ăn học nên kinh tế thêm phần khốn khó.
Do hoàn cảnh khó khăn nên từ nhỏ Cúc đã sống với bà nội ở xã Hải Hà, Hải Hậu, Nam Định. Cúc vẫn luôn cố gắng học tập để thoát khỏi cảnh nghèo như cha mẹ. Những ngày tháng bước vào trường cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội, Cúc vừa đi học vừa đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Cúc đang làm thêm cho một thẩm mỹ viện trên địa bàn Hà Nội.
Vào khoảng 8h sáng ngày 10/11, đang trên đường từ ký túc xá đến chỗ làm thêm, khi đi đến cổng làng Phú Đô, đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội bất ngờ em bị chiếc xe máy của một nam sinh đi cùng chiều tông trúng.
Cúc bị ngã ra đường, đập đầu xuống đất, chiếc xe của Cúc mắc vào chỗ để chân xe máy. Khi được cấp cứu tại Bện viện 19-8, các bác sĩ cho biết em bị chấn thương vùng đầu, bị tụ máu não, phải mổ hộp sọ để hút phần máu tụ phía đầu bên phải ra, còn máu tụ bên trái phải theo dõi nếu không tan sẽ mổ tiếp. Còn mô họp sọ của Cúc phải mang đi gửi ở ngân hàng mô Viện Bỏng quốc gia.
Hiện tại, Cúc được phẫu thuật nhưng em vẫn chưa hồi tỉnh, sức khoẻ còn rất yếu, vẫn đang trong tình trạng hôn mê sâu. Các bác sĩ cho biết, gia đình phải chờ Cúc tỉnh lại, hồi phục trí nhớ sẽ rất lâu dài, còn phải điều trị dài ngày mới cứu sống được, chi phí điều trị rất tốn kém.
“Con mới gọi điện bảo kiếm được việc lo tiền ăn, khi nào mẹ có tiền học phí thì gửi cho con nhé, vậy mà…”
Bà Liên kể, vào khoảng 9h ngày 10/11 khi đang làm trên nương thì nhận được tin con gái bị tai nạn nặng đang cấp cứu trong bệnh viện. Nghe thấy vậy, bà bủn rủn tay chân, bỏ lại công việc, gửi nhà cửa, con cái, vay mượn được anh em họ hàng vài triệu đồng bắt xe xuống Hà Nội vào bênh viện với con.
“Xuống nhìn thấy con bị băng bó khắp đầu tôi như chết lặng, đến giờ con vẫn chưa tỉnh, tôi chẳng thiết ăn uống gì cả, mong cho con bé tai qua nạn khỏi. Các bác sĩ bảo hiện vẫn phải theo dõi tình hình, con có mệnh hệ gì thì người mẹ như tôi làm sao sống nổi”, bà Liên ứa nước mắt nói.
Người mẹ này nhớ cách đây hơn 1 năm, Cúc trúng tuyển cao đẳng. Kinh tế gia đình khó khăn mỗi năm chỉ trông chờ vào những hạt lúa mùa. Chồng mất để lại khoản nợ ngân hàng khi xây nhà… Thế nhưng câu nói của con gái khiến bà Liên luôn trăn trở và đồng ý để con tiếp tục được đến trường.
“Lúc đó Cúc bảo tôi là mẹ ơi sức khoẻ con không có nhiều. Con mà leo đồi núi làm ruộng nương như mẹ con không làm được. Mẹ cố gắng vay mượn cho con đi học để sau này ra trường con kiếm việc làm lo cho cuộc sống của con, mẹ và các em. Nghe con nói tôi động viên rồi bảo dù có khó khăn thế nào thì mẹ cũng sẽ gắng gượng lo cho con”, bà Liên tâm sự.
Tiền đóng học năm học đầu tiên của Cúc được lấy từ tiền phúng điếu của người cha đã mất. Vì lo cho hai người con nữa nên kinh tế gia đình kiệt quệ. Người mẹ này cũng trải lòng dù bước vào năm học thứ 2 nhưng con chưa có tiền để đóng học phí.
“Cách đây 1 tuần con gái điện về cho tôi bảo xin được việc làm ở một thẩm mỹ viện làm được 3 ngày rồi, con kiếm được tiền ăn mẹ khi nào mẹ lo được tiền học phí thì gửi cho con đóng học nhé… Cúc là đứa luôn suy nghĩ thương mẹ và các em vậy mà lại xảy ra sự việc này”, bà Liên khóc.
Khi đi học, để tiết kiệm chi phí, Cúc ở trong ký túc xá. Biết mẹ vẫn nợ nần và còn nuôi 2 em ăn học nên Cúc cũng chẳng đua đòi, hay đỏi hỏi gì mẹ.
Ông Nguyễn Tuấn Khanh (55 tuổi, ở Hải Hà, Hải Hậu, bác ruột Cúc) cho biết, hai ngày qua kể từ khi Cúc nằm viện, gia đình cũng vay mượn, đóng viện phí và gửi mô cho Cúc chi phí lên đến 45 triệu đồng. Hoàn cảnh mẹ Cúc cũng khó khăn, bà nội ngoài 80 tuổi, lại già yếu nên anh em họ hàng đã chung tay vào gom góp để lo cho Cúc.
“Đến giờ Cúc vẫn chưa tỉnh, chúng tôi lo sợ rằng chi phí phẫu thuật cho cháu tốn kém mà gia đình hai bên nội ngoại không khá giả gì hơn nên cũng chỉ giúp đỡ được phần nào. Trong khi phía người gây ra tai nạn cho cháu, hoàn cảnh cũng khó nên chưa có động thái nào phụ giúp gia đình lo thuốc men điều trị”, ông Khanh nói.
Ngoài ra, ông Khanh cũng cho biết, từ khi Cúc xảy ra chuyện, bà nội ở nhà đứng ngồi không yên, liên tục gọi điện hỏi thăm xem tình hình sức khoẻ cháu gái ra sao? Gia đình vẫn giấu không nói cho bà biết về sức khoẻ hiện tại của Cúc, sợ bà lại lo lắng dẫn đến kiệt sức.
Lãnh đạo UBND xã Hải Hà, Hải Hậu (Nam Định) cho biết, hoàn cảnh của Cúc rất đặc biệt. Bố của Cúc không may bị tai nạn máy cưa mất cách đây 3 năm. Cúc về quê ở với ông bà nội từ nhỏ, ông nội đã mất, còn mình bà nội đã ngoài 80 tuổi.
“Mẹ Cúc ở trên Lạng Sơn nuôi 2 con nhỏ. Cúc ở với bà nội, ở địa phương cháu bé rất ngoan, từ lúc ở với bà tôi chưa thấy có điều tiếng, hay vấn đề gì cả. Thương hoàn cảnh của 2 bà cháu, hôm qua tôi cũng mới nghe cháu bị tai nạn trên Hà Nội. Mong mọi người giúp đỡ cháu Cúc vượt qua được giai đoạn khó khăn làn này”, vị lãnh đạo xã cho hay.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về STK 15110000883751 - Nguyễn Thị Thảo, ngân hàng BIDV, SĐT 0963860398 (chị họ của Cúc).
Hoặc liên hệ trực tiếp đến mẹ Cúc theo SĐT: 0344.766.061.